Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ ba, 18/01/2022 21:00 (GMT+7)

Quỹ bảo vệ môi trường và những điều cần biết

Theo dõi KTMT trên

Quỹ bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Những lĩnh vực hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường cần hiểu để thực hiện đúng.

Khái niệm quỹ bảo vệ môi trường và ký quỹ bảo vệ môi trường

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia, là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, con dấu và bảng cân đối kế toán riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương do Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thành lập và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) do Thủ tướng Chính phủ thành lập (sau đây gọi tắt là Quỹ Bảo vệ môi trường).

Quỹ bảo vệ môi trường và những điều cần biết - Ảnh 1
Nắm vững quy định về quỹ bảo vệ môi trường và kĩ quỹ bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại các Quỹ Bảo vệ môi trường.

Kí quỹ bảo vệ môi trường là việc cá nhân hay tổ chức trước khi tiến hành hoạt động sản xuất hay kinh doanh được xác định là gây ra những thiệt hại cho môi trường phải có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền (gọi chung là tiền) vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ phục hồi môi trường do hoạt động sản xuất hay kinh doanh gây ra theo quy định của pháp luật.

Những lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh thường sử dụng hình thức kí quỹ môi trường là khai thác khoáng sản, khai thác rừng hay một số các nguồn tài nguyên khác mà việc khai thác đó đòi hỏi phải có phục hồi lại những mất mát của các thành phần môi trường.

Ký quỹ bảo vệ môi trường được quy định trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh, hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng, hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Quỹ bảo vệ môi trường và những điều cần biết - Ảnh 2
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Thái Minh

Bạn đang đọc bài viết Quỹ bảo vệ môi trường và những điều cần biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới