Chủ nhật, 24/11/2024 05:31 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/11/2021 15:00 (GMT+7)

Quy định bảo vệ môi trường trong Nghị định mới về Vùng Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô.

Phạm vi Vùng Thủ đô

Thực tiễn cho thấy, dù Hà Nội đang hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng về vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; Công nghiệp - thương mại - dịch vụ; Nông nghiệp và bảo vệ môi trường…, nhưng, một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các địa phương còn mang tính tự phát, chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng của Hà Nội và các địa phương.

Nghị định này quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, trách nhiệm của các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện các quy định của pháp luật về Thủ đô; Cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm có quy mô vùng và tính chất liên kết vùng của Vùng Thủ đô.

Quy định bảo vệ môi trường trong Nghị định mới về Vùng Thủ đô - Ảnh 1
Vùng Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)

Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Lĩnh vực phối hợp là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý đất đai; Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch.

Tổ chức điều phối Vùng Thủ đô

Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ KH&ĐT (Phó Chủ tịch Thường trực); Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT (Ủy viên Thường trực); Thứ trưởng và cấp tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ: Tài chính; Công Thương; GTVT; Xây dựng; Y tế; GD&ĐT; Ngoại giao; Công an, Quốc phòng; NN&PTNT; KH&CN; TN&MT; Thông tin và Truyền thông; LĐTB&XH; VHTT&DL; Nội vụ; Tư pháp; Văn phòng Chính phủ. Chủ tịch UBND các tỉnh: Bắc Ninh; Hưng Yên; Hà Nam; Hòa Bình; Phú Thọ; Bắc Giang; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Thái Nguyên.

Đại diện là chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng; Đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của Vùng Thủ đô. Thường trực Hội đồng điều phối vùng gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực.

Hội đồng điều phối Vùng Thủ đô có chức năng tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực, nội dung phối hợp của Vùng Thủ đô quy định tại Nghị định này.

Vùng Thủ đô phối hợp bảo vệ môi trường

Nghị định đã quy định rõ Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình, danh mục dự án đầu tư xây dựng về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính chất liên vùng.

Đồng thời, việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn Vùng Thủ đô phải được phối hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó, các lĩnh vực chủ yếu cần phải hợp gồm: Kết nối hệ thống giao thông; Hạ tầng thông tin và truyền thông; Hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; Xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; Quản lý chất lượng môi trường không khí; Khu du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học, các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.

Về đầu tư, các lĩnh vực phối hợp chủ yếu gồm: Xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; Kiểm soát chất lượng môi trường không khí; Khí tượng thủy văn; Xây dựng hệ thống đường giao thông liên kết vùng, đường cao tốc, cảng hàng không; Hạ tầng thông tin và truyền thông; Phát triển các khu công nghệ cao, KCN, khu chế xuất; Cơ sở hạ tầng trong khu du lịch quốc gia; Xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo chất lượng cao, hệ thống cơ sở dữ liệu; Phát triển hệ thống các trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm y tế vùng, trung tâm văn hóa, thể thao vùng.

Như các chuyên gia nhận định, khi “sức mạnh” liên kết được phát huy, những vướng mắc được cởi bỏ, sẽ giúp Hà Nội thực hiện, tận dụng hiệu quả hơn các quy định pháp luật liên quan đến Thủ đô. Đồng thời khi hạ tầng cũng như các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế - xã hội giữa Hà Nội và các tỉnh, TP xung quanh có sự đồng bộ, thống nhất trong đường lối, kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự cùng phát triển. Đồng thời, để Thủ đô giảm quá tải hạ tầng, giảm bớt dân số, phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư kinh tế - xã hội tạo ra một trung tâm và vùng phát triển mạnh.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quy định bảo vệ môi trường trong Nghị định mới về Vùng Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới