Quyến rũ miệt vườn Cồn Sơn
Vài năm gần đây, Cồn Sơn trở thành điểm đến mới ở Cần Thơ, nơi du khách có thể trải nghiệm làm bánh dân gian, xem cá lóc nhảy, thưởng thức trái cây tại vườn.
Vài năm gần đây, Cồn Sơn trở thành điểm đến mới ở Cần Thơ. |
Tháng 6 vừa qua, tỉ phú Anh Joe Lewis, chủ đội bóng Tottenham Hotspur đã chọn Cồn Sơn làm điểm đến trong lần quay lại Cần Thơ. Tuy nhiên, không phải đến khi đó khu miệt vườn này mới được biết đến, bởi từ trước, nhiều hãng lữ hành đã đưa Cồn Sơn vào lịch trình khám phá sông nước miền Tây.
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, du khách di chuyển khoảng 10 km đến bến đò Cô Bắc (đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thuỷ) để thuê thuyền ra Cồn Sơn. Cồn cách đất liền khoảng 1km nên du khách chỉ mất khoảng 5-10 phút đi thuyền. Được thiên nhiên ưu đãi với cây trái xum xuê, cá tôm dồi dào, cồn còn nổi tiếng với những người dân cần cù, chân chất và thân thiện, như cách họ làm du lịch những năm qua.
Từ nuôi bè cá để cung cấp cho các hàng quán, ông Bảy Bon đã tận dụng chính cơ sở sản xuất trên sông của mình để biến thành điểm tham quan cho du khách. Bè nằm ngay cửa ngõ vào Cồn Sơn và hiện được các đoàn khách ghé thăm trước khi chính thức bước chân lên cồn với phí 10.000 đồng mỗi người.
Bè cá của ông Bon được chia thành hai khu vực trong nhà và ngoài trời với hàng chục loại khác nhau, từ cá vồ đém, trê hồng… đến chạch lấu, hồng thuỷ, trong đó được quan tâm nhất là bè cá koi. Tại đây, ngoài tìm hiểu quy trình chăm sóc, chế biến…du khách còn được trải nghiệm cho cá ăn. Chỉ cần khách thả một nhúm thức ăn được chủ bè chuẩn bị sẵn xuống nước, hàng trăm con cá sẽ túm tụm, quẫy nước, tạo nên cảnh tượng thú vị và đẹp mắt.
Lên bờ, con đường bê tông nhỏ mới được xây dựng khi người Cồn Sơn làm du lịch sẽ đưa khách vào các nhà vườn. Tuy con đường này dài chừng hai km, nhưng ít người cảm thấy xa hay phiền khi chỉ có thể đi bộ, bởi được thu vào tầm mắt những hàng cây xanh mướt, ao đầm trù phú và nếp nhà đặc trưng dưới bóng dừa.
Ở đây, gần như nhà nào cũng có mảnh vườn trồng đủ loại cây trái theo mùa, nào ổi, xoài, nhãn, roi (mận), dâu, bòn bon, chôm chôm, vú sữa, sầu riêng… Khách đến mùa nào sẽ được thưởng thức trái cây mùa đó, thậm chí tự tay hái quả và ăn ngay tại chỗ. Giá vào tham quan vườn khoảng 60.000 đồng mỗi người, đã gồm chi phí trái cây.
Đặc sản của Cồn Sơn phải kể đến “cá lóc nhảy” nằm ngay trong một nhà vườn. Để cá có thể biểu diễn, chủ vườn phải hình thành cho chúng phản xạ với âm thanh, bằng cách chia nhỏ thức ăn hằng ngày, mỗi lần cho ăn là dùng kẻng gõ. Hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến đàn cá hàng nghìn con tung mình lên không trung như “nhảy” để đớp mồi mỗi khi nghe thấy tiếng động. Điều này khiến nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích thú và truyền tai nhau.
Với tỉ phú Joe Lewis, trong lần đến Cồn Sơn vừa qua, ông đặc biệt ấn tượng với trải nghiệm làm bánh tại nhà bà Bảy Muôn - nghệ nhân có khả năng làm gần 100 loại bánh dân gian. Chính ông đã tự tay xay bột, nướng bánh dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân và thưởng thức thành phẩm của mình.
Đó cũng là trải nghiệm của hàng trăm du khách đến địa chỉ này mỗi ngày. Sau khi làm bánh, khách ngồi chờ vài phút để hấp, luộc rồi thưởng thức. Mỗi mâm bánh mang ra cho khách có đủ loại, màu sắc, được trình bày đẹp mắt, từ bánh lá mít, bánh da lợn… đến bánh chuối, bánh khoai mì… Bánh miền Tây có điểm chung là chế biến đơn giản, tận dụng nguyên liệu địa phương và thơm mùi cốt dừa. Bạn sẽ cảm nhận được cả vị ngọt và mặn, tuỳ từng loại bánh.
Du khách nên dành một ngày ở Cồn Sơn, do đó họ thường đặt cơm trưa tại một nhà vườn, vừa được thưởng thức đặc sản địa phương, vừa có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm. Nồi lẩu cá linh bông điên điển là món nổi tiếng, tuy nhiên chỉ có vào thời gian nhất định, nhiều nhất là vào mùa nước nổi, tháng 9-10. Chia tay Cồn Sơn trở lại đất liền, vị ngon ngọt của cá đồng, bùi bùi của bông điên điển cùng vẻ chất phác, thật thà trong từng lời ăn tiếng nói của người dân như còn in đậm trong tâm trí.