Rừng tại Đức suy giảm kỷ lục năm 2020
Ngày 24/2, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner cho biết thực trạng suy thoái rừng tại nước này năm 2020 đã xuống mức thấp kỷ lục do cháy rừng, hạn hán và sự phá hoại của côn trùng cánh cứng.
Theo bà Kloeckner, kết quả một cuộc nghiên cứu hằng năm về rừng cho thấy 1,7% số cây được quan sát đã chết từ năm 2019 – 2020, cao gần gấp 10 lần so với mức trung bình và là tỉ lệ cây rừng chết cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, loài cây vân sam chịu ảnh hưởng nặng nhất, với khoảng 4,3% số cây đã chết. Trong khi đó, chỉ có 21% số cây được quan sát còn nguyên tán lá, mức thấp nhất kể từ năm 1984.
Nghiên cứu cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến rừng suy giảm mạnh là sự tàn phá của bọ cánh cứng. Thực trạng này càng trở nên tồi tệ hơn do thời tiết hanh khô vào mùa Hè khiến những con bọ cánh cứng ăn sâu vào lớp vỏ cây.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho rằng các cơn bão, cháy rừng và hạn hán trong 3 năm qua cũng tàn phá nặng nề các khu rừng của Đức.
Bộ trưởng Kloeckner nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng như ứng phó với biến đổi khí hậu, là môi trường sống cho các loài động thực vật, làm sạch không khí và nguồn nước, hấp thu khí CO2…
Bà Kloeckner nhắc lại lời kêu gọi của các nhóm hoạt động môi trường, theo đó hối thúc chính phủ triển khai những chính sách thân thiện hơn với môi trường.
Chính phủ Đức đã cam kết chi khoảng 1,5 tỉ euro hỗ trợ những người trồng rừng, tuy nhiên các nhóm bảo vệ môi trường kêu gọi chính phủ cần hành động mạnh hơn nữa.
Nhóm BUND nhấn mạnh thực trạng suy thoái rừng hiện nghiêm trọng, đồng thời hối thúc Chính phủ Đức phải áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả và giảm mạnh lượng khí thải từ ngành giao thông, công và nông nghiệp.
Nguyễn Hằng