Sabeco lãi lớn dù đối diện áp lực kép từ thuế nhôm và quy định nồng độ cồn
Mặc dù gặp khó do các quy định về nồng độ cồn và tăng mức phạt khi tham gia giao thông, cùng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhôm của Mỹ, Sabeco (SAB) vẫn ghi nhận doanh thu thuần 31.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.494 tỷ đồng.

Từ năm 2020, Nghị định 100 với quy định xử phạt nghiêm ngặt vi phạm nồng độ cồn đã tác động tiêu cực đến ngành bia, khiến doanh thu của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2021, chỉ đạt 27.961 tỷ đồng và 26.374 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn duy trì lợi nhuận ròng ổn định trong khoảng 3.900 - 5.500 tỷ đồng qua nhiều năm.
Bước sang 2025, Nghị định 168 thay thế Nghị định 100, tiếp tục siết chặt quy định với mức phạt nặng hơn. Cụ thể, người điều khiển xe máy có thể bị phạt đến 10 triệu đồng, trong khi ô tô lên tới 40 triệu đồng, kèm theo hình thức trừ điểm hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong tối đa 2 năm.
Bên cạnh đó, một thách thức đáng kể đối với Sabeco là sự biến động của giá nhôm – nguyên liệu chính trong sản xuất lon bia. Giá nhôm đã tăng liên tục từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2025, gây áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Để đối phó với tình trạng này, Sabeco đã áp dụng chiến lược phòng hộ giá nhôm với thời gian ngắn hơn trước đây, đồng thời đàm phán với các nhà cung cấp để tối ưu hóa chi phí sản xuất. Ngoài ra, công ty cũng kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nguồn đại mạch với chi phí thấp hơn trong thời gian tới, giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nguyên liệu.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu, dự kiến nâng từ 85% lên 95% vào năm 2029. Điều này tạo thêm sức ép lớn đối với ngành đồ uống có cồn trong những năm tới.
Mặc dù đối mặt với những khó khăn, tuy nhiên Sabeco vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý IV/2024 mới được công bố, Sabeco cho biết doanh thu thuần của công ty đạt 8.933 tỷ đồng. Mảng bia tiếp tục đóng vai trò chủ lực, mang về 7.588 tỷ đồng, tăng 4,23% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao trước Tết Nguyên đán.
Tính chung cả năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần 31.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.494 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,63% và 5,64% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm 6%, song biên lãi ròng vẫn tăng nhẹ 1% lên 14,1%, nhờ kiểm soát tốt chi phí bán hàng.
Mặc dù sẽ phải đối diện nhiều khó khăn, tuy nhiên Chứng khoán Shinhan vẫn đánh giá Sabeco có triển vọng tích cực trong năm 2025. Dự báo doanh thu sẽ đạt 33.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.795 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,1% và 6,7% so với năm trước.
Hai yếu tố chính hỗ trợ đà tăng trưởng này gồm: Sự phục hồi của thị trường nội địa, với nhu cầu tiêu dùng dần ổn định sau giai đoạn siết chặt. Sự dịch chuyển sang kênh Off-trade, khi người tiêu dùng có xu hướng mua mang về thay vì uống tại chỗ để tránh các quy định về nồng độ cồn. Trong năm 2024, Sabeco đã gia tăng thị phần nhờ kênh phân phối hiện đại (MT).
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp mảng bia năm 2025 được kỳ vọng cải thiện lên 33% nhờ giải phóng hàng tồn kho nguyên liệu giá cao và giảm chi phí sản xuất lon.
Dù kế hoạch kinh doanh năm 2025 chưa được công bố chính thức, ban lãnh đạo Sabeco vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm tới. Công ty kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ bia sẽ có sự cải thiện, với mức tăng trưởng một chữ số trong kịch bản tốt nhất. Điều này phản ánh niềm tin vào sự phục hồi của thị trường bia cũng như hiệu quả của các biện pháp đang được triển khai.
Sabeco cũng đã công bố ngày đăng ký cuối cùng để tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 là ngày 24/3/2025, và đại hội sẽ diễn ra vào ngày 24/4/2025.
Năm 2017, Sabeco lọt vào "tầm ngắm" M&A của Tập đoàn ThaiBev - một "ông lớn" trong ngành đồ uống Thái Lan do tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sáng lập điều hành. ThaiBev đã không ngần ngại chi ra tới hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng gần 5 tỷ USD) để "thâu tóm" 53,59% cổ phần lưu hành của Sabeco, tương đương mức giá 320.000 đồng/cổ phần.
Minh Thành