Chủ nhật, 24/11/2024 03:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/09/2024 17:32 (GMT+7)

Sạch và tiết kiệm đang giúp xe điện áp đảo xe xăng

Theo dõi KTMT trên

Việc chuyển đổi sang phương tiện chạy điện (ôtô, xe máy, xe buýt...) không chỉ giúp giảm phát thải, bảo vệ môi trường mà còn mang lại hiệu quả về mặt chi phí.

Sạch và tiết kiệm đang giúp xe điện áp đảo xe xăng - Ảnh 1
Xe điện đang chiếm ưu thế trên thị trường. Ảnh minh họa.

Xe điện chứng minh được khả năng giảm phát thải của mình rất lớn. Trong nghiên cứu của Hội đồng Vận tải Sạch Quốc tế (ICCT) (Mỹ) trên cơ sở số liệu cho các mẫu xe năm 2024 tại Mỹ, xe hybrid tự sạc thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn gấp 2,2 lần cho sedan và gấp 2,5 lần cho SUV so với xe điện. Trong khi đó, xe SUV sử dụng động cơ đốt trong có thể thải ra lượng khí nhà kính cao hơn từ 3,5 lần so với xe SUV điện.

Các số liệu này được đưa ra dựa trên việc tính toán từ lưới điện trung bình. Tuy nhiên, khi xe điện được cung cấp năng lượng hoàn toàn từ nguồn điện tái tạo, lượng khí thải từ SUV hybrid gấp gần 5 lần xe điện. Thậm chí, xe SUV sử dụng động cơ đốt trong còn phát thải cao hơn, với mức phát thải gấp 6,7 lần so với xe điện trong toàn bộ vòng đời.

So sánh lượng khí thải nhà kính của xe đốt trong và xe điện trong suốt vòng đời của chúng cho thấy, một xe điện có thể thải ra khoảng 1/4 lượng khí CO2 so với xe chạy bằng xăng - theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế, các nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ và nghiên cứu học thuật.

Mặc dù khai thác các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho pin xe điện và quy trình sản xuất pin thải ra nhiều khí CO2 hơn, nhưng lượng khí thải trực tiếp từ việc lái xe động cơ đốt trong trong suốt vòng đời của nó vượt xa tổng lượng khí thải trong vòng đời của một chiếc xe điện.

Ví dụ như xe Toyota Camry thải ra khoảng 68 tấn CO2 trong suốt vòng đời của nó, so với 15 tấn CO2 thải ra của một chiếc Tesla Model 3 chạy điện - bao gồm CO2 thải ra trong quá trình khai thác vật liệu, sản xuất pin và cung cấp năng lượng, tức là lượng khí thải phát sinh thông qua quá trình sạc pin và vận hành xe.

Chiếc Camry xả ra 255 gram CO2 mỗi km trong vòng đời sử dụng khoảng 200.000 km, trong đó 195,79 gram là khí thải trực tiếp. Trong khi đó, xe điện chỉ gây ra 19,88 gram CO2 mỗi km trong vòng đời (đã tính cả quá trình khai thác, sản xuất pin).

Một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, năng lượng tái tạo của thế giới đang liên tiếp lập kỷ lục mới khi tăng lên tới 50% lên 510 gigawatt (GW) vào năm 2023. Dự báo của cơ quan này chỉ ra, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2028.

Tại các quốc gia phát triển như: Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Sĩ… Chỉ số chuyển đổi năng lượng (ETI) đã đạt được những bước tiến quan trọng nhờ các chính sách hiệu quả về năng lượng tái tạo. Các nước đang phát triển cũng không nằm ngoài cuộc đua này.

Theo báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hiệu quả năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 32 trong danh sách. Chính phủ đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Từ chỗ chiếm tỉ trọng không đáng kể trong tổng sản lượng điện, đến nay, điện tái tạo đã chiếm khoảng trên 15% sản lượng điện toàn hệ thống. Quy hoạch điện 8 được phê duyệt vào ngày 15.5.2023 cũng cho thấy định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.

Không thể phủ nhận, nhu cầu sử dụng xe điện trên toàn cầu ngày càng tăng, đồng nghĩa việc sản xuất pin phải mở rộng, từ đó hoạt động khai thác mỏ cũng được tăng cường.

Đó là lý do các nước, các chuyên gia đẩy mạnh triển khai các sáng kiến giúp giảm thiểu chất thải và độc tính trong quá trình khai thác. Điển hình như các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland của Australia nêu trong một bài báo khoa học năm 2023.

Sạch và tiết kiệm đang giúp xe điện áp đảo xe xăng - Ảnh 2
Mẫu xe điện nhỏ của hãng xe Vinfast đang được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn.

Theo các nhà nghiên cứu, chất thải phát sinh từ quá trình khai thác đồng, niken, mangan và lithium sẽ lên tới gần 1.000 tỷ tấn trong 30 năm tới. Để giảm đáng kể lượng chất thải đó cần xử lý triệt để cả đá thải từ quá trình khai thác và đào bới, cũng như các sản phẩm phụ được gọi là chất thải đuôi quặng còn sót lại sau khi khai thác khoáng sản mục tiêu.

Các nhà nghiên cứu đề xuất một số phương pháp khai thác thay thế như tái chế đá thải và chất thải đuôi quặng để chiết xuất lượng khoáng chất có giá trị còn lại. Một phương pháp khác được gọi là khử lưu huỳnh trong môi trường, một quy trình tách khoáng chất sunfua để giảm độc tính của chất thải đuôi quặng.

Ngoài ra, việc tái sử dụng các sản phẩm phụ từ hoạt động khai thác cũng là một phương pháp tốt. Ví dụ, gã khổng lồ sắt thép Baotou Steel của Trung Quốc khai thác quặng sắt có chứa kim loại đất hiếm, sau đó cung cấp các kim loại quan trọng cho công ty con khai thác đất hiếm của mình. Tương tự như vậy, chuỗi cung ứng đất hiếm giữa Mỹ và EU tận dụng nguồn cát monazit còn sót lại sau quá trình khai thác khoáng sản nặng để lấy titan và zirconi.

Các chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi sang phương tiện chạy điện (ôtô, xe máy, xe buýt...) không chỉ giúp giảm phát thải, bảo vệ môi trường mà còn mang lại hiệu quả về mặt chi phí, bao gồm chi phí y tế, môi trường nhất là ở khu vực thành thị, thậm chí tiết kiệm cả túi tiền cho người sử dụng.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM suy giảm và ô nhiễm nghiêm trọng xuất phát chính từ tình trạng giao thông ùn tắc, số lượng phương tiện phát thải nhiều gia tăng đột biến.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho biết, tình trạng bụi mịn như hiện nay, khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Các vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ tác động lên chính sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển đổi xanh là việc phải thực hiện, trước hết là để bảo vệ chính sức khoẻ cho người dân.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, người sử dụng xe xăng bị ảnh hưởng bởi diễn biến giá nhiên liệu, trong khi xe điện ổn định hơn cả về chi phí năng lượng lẫn tính kinh tế trong quá trình sử dụng. Không chỉ riêng tiền nhiên liệu, nhiều chủ xe cũng nhận thấy, chi phí bảo dưỡng với xe điện cũng tiết kiệm hơn xe xăng rất nhiều khi tần suất phải bảo dưỡng thấp hơn. Đặc biệt, với thiết kế, cấu tạo đặc thù, chi phí bảo dưỡng của xe điện cũng tiết kiệm hơn hẳn xe xăng.

Nhờ các ưu việt của mình mà trên đường phố các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng... xe điện xuất hiện ngày càng nhiều, mang đến một làn gió mới. Khi có sự trải nghiệm so sánh giữa xe buýt điện và xe buýt chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, so sánh giữa taxi chạy bằng xăng và taxi chạy bằng điện... nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt.

Không chỉ người dùng, các hãng xe vận tải hành khách cũng dịch chuyển sang vận hành bằng xe điện để tối ưu chi phí, góp sức bảo vệ môi trường. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh xe xăng đã chuyển sang phân phối ôtô điện VinFast. Điều này cho thấy sự đón nhận cũng như niềm tin ngày càng lớn của cộng đồng với xe điện tại thị trường Việt Nam.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Sạch và tiết kiệm đang giúp xe điện áp đảo xe xăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới