Sài Gòn của tôi
Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và Người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.
Tôi luôn tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không? Và câu trả lời là CÓ! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, vì chỉ ở nơi đây tôi mới thật là TÔI. Sài Gòn đã dành cho tôi một SỐ PHẬN.
Lúc rảnh rỗi tôi hay lục trong đám thư từ cũ những bức thư của bạn bè gửi cho tôi sau tháng năm 1975, khi ấy tôi cùng gia đình rời Hà Nội trở về Sài Gòn sinh sống.
Đọc những bức thư ấy tôi có thể nhớ lại, tôi đã luyến tiếc và mong muốn được quay lại Hà Nội như thế nào! Đúng thôi, “nơi tôi sinh Hà Nội… phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó…”, cả thời thơ ấu nghèo nàn nhưng ấm áp vui vẻ trong những khu tập thể có những căn phòng 12 mét vuông giống hệt nhau từ giường tủ đến bàn ghế, giống nhau cả quần áo của những đứa trẻ và cả bữa ăn đơn sơ mà người lớn vội vã hay chăm chút nấu trên cái bếp dầu bé tí luôn hôi khói dầu ma dút.
Bị dứt đi khỏi miền thơ ấu đúng vào tuổi 17 mơ mộng, lần cuối chia tay Hà Nội vào một đêm mùa thu, hương hoa sữa xóa nhòa lời tạm biệt của người bạn trai… Tôi ra đi mà biết rằng sẽ mang theo Hà Nội trong tim mình rất lâu, rất lâu…
Nhiều năm sau khi tôi đã là một người vợ, mỗi lần trở lại Hà Nội tôi đều tự hỏi: nếu mình sống ở Hà Nội thì bây giờ mình sẽ thế nào? Có lần tôi nghĩ, biết đâu tôi sẽ như cô bạn thân hồi phổ thông, lấy một ông chồng chỉn chu công chức, sáng đưa con đi học đưa vợ đi làm, đến chiều cả nhà lại trên chiếc xe máy “khứ hồi” về căn buồng nhỏ chia ra từ ngôi nhà chung của bố mẹ… Có thể vài năm sau khá giả hơn, tôi sẽ có một căn hộ ở một khu chung cư mới, cũng sẽ có chiếc xe máy xịn hay thậm chí có xe hơi để “không thua chị kém em”, mỗi ngày váy áo xông xênh đi đến công sở, đi chơi như nhiều người đàn bà khác, có thể có một chức vụ nho nhỏ nào đó để mà vênh vang với chồng “này, tôi không phải nhờ vả gì ông đấy nhé”.
Thế rồi sao nữa? Thật tình nhiều lần hỏi vậy và tôi không trả lời được. Đúng hơn là tôi không hình dung được nếu cuộc đời mình cứ trôi qua mòn mỏi như vậy, như nhiều bạn bè tôi biết…
Những “kịch bản” về một nơi chốn khác đã không xảy ra, bởi vì không thể xảy ra khi tôi không muốn! Vì sao tôi không muốn? Giản đơn vì cuộc sống ở những nơi chốn khác, tốt hơn hay xấu hơn là điều không thể biết trước, nhưng chắc chắn là nó không phù hợp với tôi, mà nếu phải sống cuộc đời trái với tính cách của mình thì nhất định có lúc tôi sẽ bứt tung ra mà làm lại từ đầu. Vì vậy tôi luôn tự hỏi, nếu được bắt đầu một lần nữa tuổi trẻ, nghề nghiệp, các cơ hội thay đổi cuộc sống… tôi có chọn Sài Gòn không?
Và câu trả lời là CÓ! Bởi vì tôi hiểu rằng, Sài Gòn là nơi chốn của tôi, vì chỉ ở nơi đây tôi mới thật là TÔI. Sài Gòn đã dành cho tôi một SỐ PHẬN.
Một lần, từ nơi xa một người bạn mail về cho tôi. Sau những dòng chữ ngắn gọn và rõ ràng thông báo về công việc như thường lệ, chợt dòng cuối một câu hỏi thảng thốt “Sài Gòn bây giờ thế nào hả em…?”. Câu hỏi của anh làm tôi giật mình tự hỏi, gần bốn mươi năm sống ở thành phố phương Nam đầy nắng gió này nhưng với tôi, Sài Gòn có những gì trong tâm tưởng?
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Sài Gòn là từ một câu ca dao về vùng đất còn đầy vẻ hoang sơ lạ lẫm:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Cùng với tích chuyện xưa Thủ Hoằng dựng Nhà Bè ở ngã ba sông, để sẵn gạo củi giúp cho những người lỡ đường sông nước tạm dừng ghe xuồng nghỉ ngơi, chờ con nước lớn mà ngược vào vùng bán sơn địa Gia Định Đồng Nai hay theo nước ròng mà xuôi ra cửa biển Cần Giờ… Trong tôi, Đất Sài Gòn hiện lên nơi ngã ba sông Sài Gòn và sông Đồng Nai nhập vào nhau để cùng đổ ra biển Đông, và Người Sài Gòn hiện ra như những con người rộng rãi sẵn sàng làm việc nghĩa.
Cho đến bây giờ Sài Gòn vẫn không hề không câu nệ anh là ai anh từ đâu đến. Sài Gòn bao dung với mọi người, Sài Gòn chia sẻ cơ may cho bất cứ ai đến nơi đây. Những người bạn của tôi hầu hết đều sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/ vào/ về Sài Gòn sinh sống. Có thể coi chúng tôi là “người nhập cư” vì cha mẹ không sinh sống ở Sài Gòn và chúng tôi không sinh ra tại đây, nhưng chúng tôi tự coi mình là “người Sài Gòn” bởi vì chúng tôi đã trưởng thành, lập gia đình, làm ăn, có lẽ “nhắm mắt xuôi tay” cũng ở đây.
Bởi chúng tôi nhận ra rằng, nếu ta sống với Sài Gòn, sống hết mình cùng Sài Gòn ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa bên trong vẻ bộc trực phóng khoáng của người Sài Gòn, người Nam bộ.
Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã thầm hiểu, nơi ta được sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời… Và nếu như ta đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn!
Thế đấy, số phận đã “dịch chuyển” tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn để có cơ may biết và hiểu Sài Gòn, để yêu Sài Gòn bằng một tình yêu sâu đậm. Không cần phô phang mình là “người Sài Gòn”, thậm chí tôi còn tự hào “tuy nói giọng Bắc nhưng chơi được, như người Sài Gòn” - mà bạn bè thường nhận xét.
Tôi hiểu rằng, Sài Gòn chẳng cần phải luôn nói tốt về nó, lại càng không muốn so sánh Sài Gòn hôm nay với quá khứ đã qua… Sài Gòn đã thay đổi, và cũng phải thay đổi, dù có điều hay điều dở, nhưng mạch nguồn trong lành của nó vẫn hiện hữu mỗi ngày, nuôi dưỡng những tâm hồn bình dị phóng khoáng, nuôi dưỡng những việc làm nhỏ bé mà đầy ắp nghĩa tình của người Sài Gòn, và của cả những người đến Sài Gòn.
Vậy thì có cần chăng, một nơi khác để bắt đầu một cuộc đời khác?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (còn gọi là Hậu khảo cổ) sinh năm 1958 tại Hà Nội, quê gốc ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1954, gia đình chị tập kết ra Bắc. Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất, chị là đại diện cho thế hệ “di dân” đầu tiên vào Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc và gắn bó đến tận bây giờ.
Có bằng tiến sĩ khảo cổ học, từng làm việc tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện nay, chị là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, tham gia giảng dạy ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ngoài chuyên ngành khảo cổ, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu còn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ.
TS Nguyễn Thị Hậu