Sẽ tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển đang được cảnh báo.
Tại hội nghị tổng kết Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 và Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ diễn ra sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia thì ngành thủy sản phải làm tốt công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam, ngành nông nghiệp đã ban hành nhiều văn bản, quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Luật Thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập cộng đồng ngư dân, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia. Trong đó đáng chú ý là việc lập quy hoạch chi tiết 16 khu bảo tồn biển và bàn giao cho các địa phương để thành lập theo thẩm quyền.
Hàng loạt các dự án về điều tra nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái cửa sông, ven biển, ven đảo, đầm phá và trong vùng nội địa, thả giống tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản đạt hơn 400 triệu con giống cá loài có giá trị kinh tế, loài bản địa với xu hướng tăng liên tục từ năm 2010 đến nay; Điều tra, xác định và ban hành danh mục 47 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn để bảo vệ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản con non tập trung sinh sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển đang được cảnh báo. Nguyên nhân là do số lượng tàu cá khai thác thủy sản nhiều, đặc biệt tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác thiếu thân thiện với nguồn lợi; ô nhiễm môi trường do phát triển của một số ngành kinh tế như công nghiệp, du lịch… Một số ý kiến cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện và triển khai, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho rằng, các khu bảo tồn vẫn chưa được đầu tư đúng mức: "Đề nghị nên đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất, thiết bị cho các khu bảo tồn biển mới thành lập. Đồng thời ban hành định mức kỹ thuật cho các hoạt động diễn ra trong khu bảo tồn qua đó làm cơ sở xây dựng nhu cầu vốn đầu tư vào khu bảo tồn. Bên cạnh đó nghiên cứu lượng giá giá trị kinh tế để các khu bảo tồn làm cơ sở vận động sự đồng thuận của các bên liên quan như người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng tham gia".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để ngành thủy sản phát triển bền vững phải làm tốt công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi. Đây cũng là nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung, ngành thủy sản nói riêng để thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Với 3.260 km bờ biển với diện tích 1 triệu ki lô mét vuông, nếu như làm tốt được công tác bảo tồn như Nghị quyết Trung ương 36 đề ra thì ngành thủy sản sẽ đạt mục tiêu trong phát triển bền vững. Tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt 1,78% kế hoạch đề ra, trong thời gian tới trong Chiến lược thủy sản làm quy hoạch về khu bảo tồn sẽ phải nhấn mạnh về các giải pháp để khắc phục hạn chế, yếu kém như tổ chức bộ máy, tổ chức hiện, hoàn thiện thể chế thì chúng ta sẽ khó có các khu bảo tồn tốt. Bài học kinh nghiệm đối với các nước phát triển cả ở trên đất liền và dưới nước không làm tốt công tác bảo tồn ngay từ đầu trong bối cảnh Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu thì sẽ phải bỏ rất nhiều tiền để khắc phục nếu sau này mới làm".
Minh Long