Chủ nhật, 24/11/2024 07:03 (GMT+7)
Thứ năm, 04/11/2021 13:00 (GMT+7)

Sét bảo vệ con người trước ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Một nghiên cứu mới đây, gốc hydroxyl và gốc hydroperoxyl được sét phóng ra có thể kích hoạt các phản ứng hóa học và phá vỡ các phân tử gây ô nhiễm không khí như khí mê tan.

Sét gây tác hại cho con người khi nó đánh xuống đất

Sét đánh xuống đất được phân ra làm hai loại là sét âm và sét dương. Sét âm (90%) chủ yếu xuất hiện từ phần dưới đám mây đánh xuống đất. Sét dương thường xuất hiện từ trên đỉnh đám mây đánh xuống. Loại sét dương này xuất hiện bất ngờ và đôi khi rất nguy hiểm vì trời vẫn quang và phần dưới chưa mưa. 

Ngoài tác dụng tạo ra phân nitrogen có lợi cho cây trồng, sét là hiểm họa gây thiệt hại về người và tài sản. Hàng năm trên thế giới theo thống kê có khoảng 5.000 người bị sét đánh.

Sét bảo vệ con người trước ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Sét gây nên những hậu quả lớn về người và của. (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam có thể có tới 2 triệu cú sét đánh xuống đất trong vòng một năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vật lý Địa cầu thực hiện, cả nước có 820 vụ sét đánh trong 10 năm trở lại đây gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, làm gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực...

Tại một số khu vực như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Đồng bằng Sông Cửu Long, xảy ra nhiều vụ sét đánh làm thiệt hại mùa màng và tính mạng con người, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Những tia sét có thể đóng một vai trò lớn hơn những gì chúng ta tưởng

Những tia sét trong các cơn bão tạo ra một lượng lớn các phân tử được gọi là các gốc oxy hóa, có thể phân hủy các chất khí như carbon monoxide và mê tan trong khí quyển. Đây là các chất gây ô nhiễm khí quyển có thể góp phần làm Trái Đất nóng lên và làm hỏng tầng ozon.

Carbon monoxide và methane xâm nhập vào khí quyển từ cả nguồn tự nhiên và công nghiệp. Khí mê tan được tạo ra từ quá trình phân hủy thực vật, nhưng cũng được thải ra do phát triển dầu khí và nông nghiệp. Carbon monoxide và các hydrocarbon gây ô nhiễm khác có thể do các ngành công nghiệp và các vụ cháy rừng tạo ra.

Sét bảo vệ con người trước ô nhiễm không khí - Ảnh 2
Những tia sét có thể đóng một vai trò lớn hơn những gì chúng ta tưởng khi giúp làm sạch bầu không khí của chúng ta trước các chất ô nhiễm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các quá trình tự nhiên trong khí quyển, chủ yếu do ánh sáng mặt trời thúc đẩy, đã tạo ra các phân tử được gọi là gốc, trong đó quan trọng nhất là hydroxyl.

Các phân tử này hoạt động rất mạnh về mặt hóa học (có nghĩa là chúng có nhiều khả năng phản ứng với các phân tử khác) và có thể phản ứng với các chất ô nhiễm để tạo thành các hợp chất mới vô hại hoặc có thể dễ dàng gắn vào nước và thoát ra ngoài không khí.

Nghiên cứu mới do Giáo sư khí tượng học William Brune của ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) đứng đầu phát hiện sét tạo ra số lượng phân tử hydroxyl nhiều hơn rất nhiều so với những gì đã biết trước đây. Công trình của ông cho thấy hơn 10% nguồn cung các gốc làm sạch này trong khí quyển có thể được tạo ra bởi các cơn bão có sét.

Giáo sư Brune tin rằng hydroxyl do sét tạo ra có tác động đáng kể trên toàn thế giới. "Các mô hình trước đây cho rằng sét không phải là một yếu tố đóng góp đáng kể vào quá trình làm sạch bầu khí quyển. Ước tính tốt nhất của chúng tôi lúc này là từ 2%, khá quan trọng, đến hơn 10%, rất quan trọng, đối với toàn bộ việc làm sạch bầu khí quyển".

Những ước tính trên có thể thay đổi khi hành tinh của chúng ta ấm lên. Một số mô hình biến đổi khí hậu cho thấy sự gia tăng hoạt động giông bão, đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều hơn hydroxyl và làm sạch khí quyển nhiều hơn trong tương lai. Các mô hình khí hậu khác cho thấy rằng có thể không có nhiều sét nhưng sét đánh sẽ dữ dội hơn và cũng có thể làm thay đổi các con số.

Theo Giáo sư Brune, trong mọi trường hợp, các mô hình về biến đổi khí hậu và ô nhiễm toàn cầu trong tương lai sẽ phải tính đến thông tin mới này về việc làm sạch khí quyển. Các mô hình hiện diện có thể cần cập nhật.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sét bảo vệ con người trước ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới