Chủ nhật, 24/11/2024 07:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/02/2024 12:00 (GMT+7)

“Siêu đô thị” TP. Hồ chí Minh và bài toán phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, TP.HCM đang phải chịu những sức ép nhất định và có dấu hiệu chững lại khi các động lực phát triển có khuynh hướng bão hòa...

Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, TP.HCM đang phải chịu những sức ép nhất định và có dấu hiệu chững lại khi các động lực phát triển có khuynh hướng bão hòa trước bối cảnh thế giới và trong nước đang có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ. Vậy TP.HCM cần thay đổi, đột phá và giải pháp nào để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước?

Dấu trầm cần thiết để TP.HCM bứt phá

Trải qua hàng chục năm phát triển, kinh tế TP.HCM đã có những bước phát triển vượt bậc và rõ nét trong mọi lĩnh vực. Từ đó, TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên.

Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực. Phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

“Siêu đô thị” TP. Hồ chí Minh và bài toán phát triển bền vững - Ảnh 1
Đầu tàu kinh tế cả nước vạch ra lộ tình phát triển bền vững (Ảnh La Thịnh)

Song song với sự phát triển không ngừng, TP.HCM đã và đang phải đối mặt với vô vàn những thách thức, khó khăn như nguồn nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình trệ, giá cả thị trường tăng liên tục, môi trường ô nhiễm… Những khó khăn này ngày càng rõ nét hơn khi nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những biến động về tình hình an ninh, kinh tế thế giới.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu của TP.HCM đã sụt giảm đáng kể khi giảm 13,4%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 4,5%). TP.HCM có 25.086 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 29,5% so với cùng kỳ; thu hút FDI khoảng 2,31 tỷ USD, giảm 32,3% so với cùng kỳ. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 24.199 tỷ đồng và chỉ đạt 35% kế hoạch vốn được giao và chưa bảo đảm tiến độ giải ngân theo quy định.

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, năm 2023, thành phố có 13/21 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 8 chỉ tiêu dự kiến không đạt. Đồng thời, TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của thành phố nói riêng bị ảnh hưởng.

Trong đó, có thể kể đến đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm (kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2%; nhập khẩu giảm 13%). Thu ngân sách chưa đạt dự toán đề ra (chỉ đạt 93,53% dự toán); thu hút vốn FDI giảm 23,8%.

Tình hình khó khăn của năm 2023 được cho là đã được dự báo trước, tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế của TP.HCM giảm sâu ngay trong quý I/2023 đã bộc lộ những nhược điểm, tồn tại của cơ cấu kinh tế và thể chế quản lý của Thành phố. Đặc biệt, vấn đề thể chế quản lý đang có nhiều bất cập đối với một thành phố có quy mô lớn. Đây cũng là “dấu trầm” nên có để chính quyền và nhân dân TP.HCM có thể nhìn nhận lại quá trình phát triển, đồng thời đưa ra nghị quyết mới, chính sách mới phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế cũng như tiềm năng vốn có của TP.HCM.

Nhiều lợi thế đểTP.HCM phát triển bền vững

Để duy trì vị thể là trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu của cả nước và hướng đến là siêu đô thị của cả khu vực, chính quyền TP.HCM đã nghiêm túc nhìn vào thực tế và ghi nhận những ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Và ngay sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được chính thức được thông qua, HĐND TP.HCM đã xem xét các tờ trình của Thường trực HĐND và của UBND Thành phố, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND Thành phố, tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua 50 nghị quyết, trong đó, 9 nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội; 34 nghị quyết về kinh tế - ngân sách; 7 nghị quyết về văn hóa – xã hội - giáo dục; 1 nghị quyết về đô thị và 8 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.

“Siêu đô thị” TP. Hồ chí Minh và bài toán phát triển bền vững - Ảnh 2
TP.HCM sẽ có nhiều dự án đầu tư công năm 2024

Nhằm thực hiện thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội”, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị, UBND Thành phố tập trung giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai tích cực các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 từ 7,5 - 8%; Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, công tác an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả các giải pháp trong tổ chức thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; quan tâm tăng cường kiểm tra và khắc phục các vụ việc tồn tại, kéo dài, kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm, đảm bảo ổn định cuộc sống Nhân dân.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND Thành phố, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm; Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố, mục tiêu đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội; Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tìm ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế.

Song song đó, hoàn thành đề án đô thị thông minh để sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý Nhà nước; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm hạ tầng đi trước một bước; quan tâm khai thác và đầu tư phát triển các dự án hạ tầng cảng biển ngang tầm khu vực và thế giới; tăng cường liên kết phát triển vùng; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; đảm bảo bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự - an toàn xã hội…

TP.HCM là hạt nhân phát triển của siêu đô thị vùng trong tương lai

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045″, TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu của TP.HCM là vấn đề mang tầm quốc gia chứ không phải chuyện riêng của TP.HCM và tư duy của TP.HCM là vùng đô thị và kinh tế vùng chứ không phải chỉ có riêng thành phố. Trước thực tế TP.HCM đang giảm dần tốc độ tăng trưởng thì cần phải xem lại khả năng chống chịu trước những khả năng bất thường của kinh tế.

Là một đô thị loại đặc biệt nhưng TP.HCM đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh. Do vậy, thách thức đối với sự phát triển TP.HCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cản về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế.

“Siêu đô thị” TP. Hồ chí Minh và bài toán phát triển bền vững - Ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND Thành phố

Trong vài thập niên tới một siêu đô thị của vùng TP.HCM sẽ hình thành. Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là phải triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng đô thị TP.HCM. TP.HCM là hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vậy, các quy họach, định hướng phát triển của thành phố phải gắn kết chặt chẽ với toàn vùng. Đồng thời, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong đó, khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.

“Trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Đó là sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối Vùng và cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP.HCM… Chúng ta hay nói là cơ chế đặc thù cho thành phố nhưng quan điểm của tôi là không cần cơ chế đặc thù mà cơ chế phù hợp với siêu đô thị”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.

TP.HCM thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 hơn 75.000 tỷ đồng

Tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP. HCM khóa X, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2024. The đó, HĐND TP.HCM thống nhất với phương án dự kiến bố trí nguồn vốn Trung ương cho TP.HCM năm 2024 hơn 3.680 tỷ đồng.

HĐND TP.HCM cũng thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách Nhà nước của TP.HCM hơn 75.577 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 của TP.HCM hơn 74.282 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ hơn 4749 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của các huyện và TP. Thủ Đức từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách TP.HCM với số tiền hơn 1.294 tỷ đồng.

PV

Bạn đang đọc bài viết “Siêu đô thị” TP. Hồ chí Minh và bài toán phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới