Sinh vật vùng Ramsar Bàu Sấu đứng trước nguy cơ suy giảm
Biến đổi khí hậu, tác động xã hội, việc quản lý, giám sát và các loài ngoại lai xâm phạm khiến một số loài trong khu đất ngập nước (Ramsar) Bàu Sấu bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Loạt thách thức trong việc bảo tồn vùng đất ngập nước
Tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam, TS Phạm Hữu Khánh, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên thông tin, khu Ramsar Bàu Sấu có giá trị cơ bản về sinh thái, môi trường và đa dang sinh học (ĐDSH); Nghiên cứu khoa học; kinh tế - xã hội; Cảnh quan, giáo dục, du lịch.
Trong đó, giá trị lớn nhất là sinh thái, môi trường và ĐDSH vì là hồ nội địa tiếp giáp với rừng tự nhiên. Bàu Sấu nằm trong vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nên ít bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết, môi trường, con người nên số lượng loài, cá thể từng loài ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, hiện nay khu Ramsar Bàu Sấu đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là các trường hợp xâm phạm trái phép tài nguyên rừng như: Khai thác gỗ, đánh bắt cá, bẫy chim và động vật rừng. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai như cây mai dương, cỏ trấp làm thu hẹp môi trường sống của các loài dưới nước, xử lý cây này tốn kém, mất nhiều thời gian mà không triệt để. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý) tác động trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sinh, nước uống của động vật hoang dã.
Cùng chung ý kiến, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó giám đốc phụ trách VQG Cát Tiên cho rằng, do biến đổi khí hậu và tác động xã hội, cùng với đó là việc quản lý, giám sát và các loài ngoại lai xâm phạm khiến một số loài ở khu Ramsar Bàu Sấu bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức to lớn đến công tác bảo tồn vùng đất ngập nước.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, Bàu Sấu là khu vực ít bị tác động bởi con người nhưng là “điểm nóng” ĐDSH với nhiều loài. Sự phát triển nhanh về kinh tế và dân số; Khai thác thủy điện và cát đã ít nhiều tác động đến hệ sinh thái của cả khu vực. Ngoài ra, vấn đề kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ và hưởng thụ tài nguyên của vùng đất ngập nước này chưa thực sự hiệu quả.
Tăng cường quản lý và khai thác du lịch sinh thái vùng Bàu Sấu
Ông Cao Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông thuộc Bộ TN&MT đánh giá các vùng đất ngập nước không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan, ĐDSH mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ nguồn nước.
Riêng khu vực Ramsar Bàu Sấu có giá trị lớn về khoa học và du lịch nếu bảo tồn và khai thác khôn khéo các giá trị. Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ VQG Cát Tiên hoàn thiện hồ sơ Danh mục xanh trình Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế UICN công nhận. Kho đạt danh hiệu này, Bàu Sấu và VQG Cát Tiên sẽ có lợi thế trong kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho bảo vệ ĐDSH, hợp tác quốc tế và khai thác du lịch sinh thái.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cuối năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030. Một trong những nhiệm vụ của kế hoạch mà địa phương, đơn vị có thể nghiên cứu áp dụng là thí điểm mô hình đồng quản lý, tức là thay vì một đơn vị quản lý như hiện nay thì kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tài nguyên vùng đất ngập nước. Mô hình này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng khá hiệu quả.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến khác cho rằng, vùng đất ngập nước Bàu Sấu mới làm tốt công tác giữ gìn cảnh quan tự nhiên và ĐDSH mà chưa phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội. Bàu Sấu là điểm du lịch sinh thái độc đáo của tỉnh nhưng hạ tầng và dịch vụ phục vụ du lịch còn nghèo nàn.
Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước. Cùng với đó là điều tra ĐDSH và đánh giá mối đe dọa với các loài đặc trưng để có giải pháp bảo vệ hiệu quả. Đồng thời, mong muốn các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng địa phương cùng tham gia công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ramsar Bàu Sấu và các vùng đất ngập nước theo mùɑ của vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích 13.759 hɑ, bao gồm 5.360 ha đất ngập nước theo mùɑ và 151ha đất ngập nước quanh năm. Ϲòn lại là các diện tích thấp hơn 115m so với mặt nước Ƅiển. Toàn bộ hệ đất ngập nước Bàu Ѕấu nằm ở vị trí trung tâm khu Nam Ϲát Tiên, vườn quốc gia Cát Tiên (huуện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).
Năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên có tầm quan trọng quốc tế thứ 1499 của thế giới theo danh sách Ramsar đồng thời là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.
Hệ đất ngập nước Bàu Sấu được công nhận vào danh sách Ramsar càng khẳng định giá trị và ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục phát huy các thành quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng, phát huy các lợi ích về bảo vệ môi trường, về khoa học, gắn liền với các lợi ích về kinh tế, văn hoá và xã hội.
Thanh Tùng