Sợ “bà hỏa ghé thăm", nhiều chủ trọ cấm luôn sạc pin xe điện trong hầm
Sau vụ cháy tại phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, người dân bắt đầu cảnh giác hơn với loại xe đạp, xe máy điện. Nhiều chủ trọ còn cấm sạc xe điện trong hầm nên đã gây ra không ít bất đồng giữa người thuê và người cho thuê.
Chủ trọ làm gắt, người thuê “đau đầu”
Mặc dù chưa có thông tin ban đầu về nguyên nhân vụ cháy tại số nhà 37 ngách 29/70 phường Khương Hạ, tuy nhiên qua lời kể lại của bác bảo vệ đám cháy xuất hiện từ chiếc xe điện. Trước đó cũng có nhiều vụ cháy do xe điện như vụ cháy tại hầm chung cư Eco Green City, chung cư cao cấp Masteri Thảo Điền, vụ cháy tối ngày 7/9 tại nhà dân ở Nghệ An,... Lo ngại trước nguy hiểm cháy nổ, nhiều chủ trọ đã yêu cầu người thuê nhà không được sạc điện qua đêm, thậm chí có nhiều chủ trọ còn không cho phép dùng xe điện.
Bạn T.N.L, 20 tuổi ở trọ tại quận Bắc Từ Liêm cho hay từ sau khi vụ cháy tại phường Khương Hạ, chủ trọ đã cấm không cho dùng xe điện, trong vòng 14 ngày nếu không chuyển xe đi thì coi như mất trọ luôn. Chính vì thế mà mấy ngày qua T.N.L phải chạy vặt khắp nơi để tìm nơi gửi nhờ xe. Cuối cùng cô phải gửi hộ nhà chị gái cách đó 8 cây số, trong khi đó xe điện chính là phương tiện đi lại chính.
Thông tin cấm xe điện từ các chủ trọ được nhiều người thuê phản đối. Bởi lẽ quy định này gặp nhiều bất cập, vì theo nhiều người sạc xe điện cũng giống như sạc pin điện thoại. Nếu sạc đúng cách, không lo về cháy nổ nhưng một khi pin đã chai, phồng rộp mà không để ý thì pin xe điện và pin điện thoại không khác gì nhau mấy.
Theo một số người dân, cấm xe điện sạc qua đêm hay trong hầm là cách chống chế khi chưa tìm ra được biện pháp giải quyết triệt để. Xe điện, xe đạp điện là phương tiện di chuyển chính của nhiều em học sinh và người lao động, nếu không được sạc tại hầm sẽ gây ra không ít cản trở trong việc di chuyển.
Không cho sạc trong hầm thì sạc trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì không những vậy không phải loại xe nào cũng có thể thoái pin rời.
Một số khác lại cho rằng không cấm cắm sạc tại hầm nhưng cấm sạc xe qua đêm. Thời gian này không có ai quản lý, giám sát nên nếu đám cháy có xảy ra sẽ rất khó phát hiện. Điểm qua một vài vụ cháy đa số đều xảy ra ban đêm nên nỗi lo này là có cơ sở.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 100% xe buýt thay thế được sử dụng năng lượng xanh và đến năm 2030 có 100% xe taxi sử dụng điện. Năm 2050, có 100% phương tiện giao thông “sạch, thân thiện môi trường trên toàn quốc. Do đó việc cấm sạc xe điện tại hầm như đi ngược lại chủ trương trên của Bộ.
Đi tìm giải pháp tối ưu cho cả hai bên
Khoan hãy tìm ra xem chủ trọ cấm xe điện là đúng hay sai, ta hãy nghĩ cách làm sao để hài hòa hai bên. Về phía người cho thuê, họ làm vậy cũng là có lý của mình, nếu có cháy xảy ra thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng nên cứ “phòng bệnh hơn chữa bệnh cái đã”. Bên này người thuê thì nghĩ rằng cấm rồi thì lấy cái gì đi lại, quản lý và bảo trì thường xuyên thì không phải lo sợ cháy nổ.
Việc sạc xe điện ở hầm có an toàn hay không phải xem ở nhiều khía cạnh. Đầu tiên là hệ thống điện có đủ khỏe, đường truyền có ổn định. Thứ hai là xe có đúng kỹ thuật, an toàn. Cuối cùng là thời gian bảo dưỡng, thay dầu, kiểm tra pin là bao nhiêu.
Từ đó mà ta sẽ tìm giải pháp ở từng khâu một. Trước tiên chủ trọ phải là người có trách nhiệm kiểm tra và đảm bảo hệ thống Phòng cháy chữa cháy cho nhà trọ của mình như lắp cảnh báo, trang bị bình chữa cháy,... Bố trí chỗ sạc riêng với đường điện đủ tải, có camera theo dõi 24/7. Đối với người thuê cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của pin, trong quá trình sạc thì chú ý giám sát, không sạc xe khi trời vừa mưa xong,....
Ghi nhận tại một chung cư trên đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, chủ đầu tư đã xây dựng hẳn một bảng hướng dẫn sạc xe điện. Theo đó khu vực sạc được đặt sát khu vực có bảo vệ canh gác để kịp thời theo dõi. Đường điện được đầu tư, lắp đặt theo đúng quy chuẩn và có bình chữa cháy tại mỗi ô.
Chung cư quy định mọi xe điện phải sạc trước 9 giờ tối, sau giờ trên bảo vệ sẽ đi rút sạc để đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy. Đồng thời bảo vệ sẽ liên tục đi tuần xe để phát hiện sự cố sớm nhất.
Những quy định trên đã tạo cảm giác an toàn cho người dân đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của chủ chung cư với yêu cầu Phòng cháy chữa cháy. Ý thức của người dân cùng sự vào cuộc của lực lượng chức năng và các bên liên quan sẽ giúp chúng ta không phải nhìn thấy một vụ hỏa hoạn thương tâm nào nữa.
Bộ Công an khuyến cáo người dân một số kỹ năng phòng tránh cháy nổ do xe điện như sau:
- Thứ nhất, lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Thứ hai, thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới. Đồng thời sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp, sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra.
- Thứ ba, không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc…
Đối với xe ô tô điện cần:
- Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn.
- Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.
Phạm Huyền