Chủ nhật, 24/11/2024 06:20 (GMT+7)
Thứ năm, 07/12/2023 08:58 (GMT+7)

Sở hữu chéo ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ thao túng, sai lệch dòng tiền (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia tài chính cho rằng, việc sở hữu chéo ngân hàng đang tạo ra những tiềm ẩn và nguy cơ thao túng, làm lệch dòng tiền trong nền kinh tế.

Hoạt động tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong hơn một thập niên đã có những kết quả đáng ghi nhận. Công tác xử lý nợ xấu, sát nhập các doanh nghiệp ngân hàng 0 đồng, tái cấu trúc ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại mà điển hình nhất là “vấn nạn” sở hữu chéo ngân hàng vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Thậm chí hình thức này ngày càng được nhiều ngân hàng thương mại lách luật để hoạt động tinh vi.

Cú bắt tay giữa các ông chủ bất động sản và một số ngân hàng thương mại thực tế đã cho thấy dòng tiền tín dụng đã bị chi phối và sai khiến. Trong thời gian gần đây, nhiều vụ án về sở hữu chéo ngân hàng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Mới đây nhất là vụ án liên quan giữa Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ Vụ án Vạn Thịnh Phát, có thể thấy, hệ lụy của việc sở hữu chèo ngân hàng đã để lại quá nhiều hậu quả nặng nề. Trong đó, thiệt hại của nó đối với nền kinh tế là rất lớn.

Nhìn lại vụ việc, trong vòng 10 năm, bà Trương Mỹ Lan núp bóng sau Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi phối hoàn toàn dòng tiền của ngân hàng SCB và sử dụng vào các hoạt động kinh doanh của riêng mình.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay, sau đó chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 304.000 tỉ đồng.

Sở hữu chéo ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ thao túng, sai lệch dòng tiền (Bài 4) - Ảnh 1
Bà Trương Mỹ Lan mượn danh Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã núp bóng sau ngân hàng SCB để chiếm đoạt số tiền của khách hàng lên đến hơn 304.000 tỉ đồng.

Từ vụ án Vạn Thịnh Phát và nhiều vụ án tương tự khác tại các ngân hàng, theo các chuyên gia kinh tế, dù trên sổ sách không còn ghi nhận hiện tượng sở hữu chéo nhưng thực tế hình thức này vẫn tồn tại trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng như một nghịch lý. Bóng dáng của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn hiện hữu trong một số ngân hàng để thao túng dòng tiền. Từ đó trục lợi số tiền huy động từ trong người dân theo mục đích riêng cá nhân, gây nên những tác động khôn lường cho nền kinh tế.

Hệ lụy từ việc sở hữu chéo ngân hàng trong thời gian qua đã đưa ra những cảnh báo đối với nền kinh tế. Theo các chuyên gia, việc sở hữu chéo ngân hàng khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính lại không tiếp cận được.

Trả lời về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, sở hữu chéo ngân hàng là hiện tượng một doanh nghiệp sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp khác tại cùng một thời điểm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp khi nhiều công ty có quyền sở hữu chung cổ phần của một công ty và bản thân các công ty đó cũng trực tiếp sở hữu cổ phần của nhau tạo nên một mạng lưới phức tạp được ví von như ma trận.

Theo ông Bùi Kiến Thành, hiện tượng này xảy ra ở nhiều nền kinh tế, kể cả ở các nước có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế lớn, ít xảy ra tình trạng sở hữu chéo gây ảnh hưởng tới quyết định của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay gây nên nhiều lo ngại bởi nguy cơ lãnh đạo doanh nghiệp có quan hệ sở hữu chéo với ngân hàng thương mại muốn lạm dụng các quyền cổ đông để điều hướng dòng tín dụng, sử dụng nguồn vốn huy động cho lợi ích của doanh nghiệp và cá nhân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thao túng, làm lệch dòng tiền

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, dư luận về mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản đã xuất hiện từ lâu.

Theo chuyên gia kinh tế, dư nợ bất động sản hiện đang chiếm chừng 21% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, chưa kể dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vậy nên, nếu có việc sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản, đó sẽ là một vấn đề cần sớm xử lý dứt điểm.

Nêu giải pháp về vấn đề, theo Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn và đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát có đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao. Sự thanh tra, kiểm tra việc áp dụng các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng giúp bảo đảm sự bền vững của hệ thống ngân hàng và buộc phải thừa nhận, ở khâu này, chúng ta chưa làm thật sự tốt.

Ngoài ra, Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Yêu cầu công bố thông tin để cá nhân, tổ chức, các tổ chức đánh giá xếp hạng có thể đánh giá được chất lượng tài sản, uy tín của ngân thương mại, một mặt tạo áp lực khiến họ không sa vào các hoạt động đầu tư rủi ro, mặt khác giúp khách hàng có lựa chọn hợp tác đúng đắn nhất.

Tương tự như vấn nạn sở hữu chéo, một vấn đề khác theo Tiến sĩ – Chuyên gia Tài chính Cấn Văn Lực – là thực trạng nhóm cổ đông “chi phối” kênh đầu tư, tín dụng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện tượng, cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng đang tồn tại ở nhiều ngân hàng hiện nay.

Ông Lực nêu dẫn chứng về tình trạng công ty liên kết, có liên quan hoạt động tinh vi, có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi này nhưng những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn BĐS vừa qua đã bộc lộ tính chất liên quan này.

Chuyên gia tài chính phân tích, theo quy định hiện hành, ngân hàng thương mại phải công bố thông tin về tổ chức, cá nhân, nhóm có liên quan nắm giữ từ 5% cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Cũng có quy định cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của ngân hàng thương mại. Vì thế, tỷ lệ sở hữu tối đa thường được lựa chọn là 4,99%, đồng nghĩa cá nhân đó không thuộc diện công bố thông tin.

Sở hữu chéo ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ thao túng, sai lệch dòng tiền (Bài 4) - Ảnh 2
Theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần thúc đẩy thực hiện việc xếp hạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, giấy tờ, sổ sách không thể ghi nhận hiện tượng sở hữu chéo khi các cá nhân có liên quan tới ban lãnh đạo của doanh nghiệp nắm giữ cổ phần của ngân hàng chính là chủ sở hữu một số lượng lớn cổ phần khác của ngân hàng. Độ vênh với thực tế có thể xảy ra vì những lý do như vậy.

Liên quan về vấn đề sở hữu chéo ngân hàng, đại diện Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), tình trạng sở hữu chéo giữa hệ thống tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực có độ rủi ro cao với biểu hiện thao túng dòng chảy tín dụng, rót vốn vào “sân sau”, sử dụng vốn sai mục đích đang có tác động xấu đến chất lượng tín dụng, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

Tình trạng sở hữu chéo có thể khiến dòng chảy tín dụng (huy động ngắn hạn) bị hướng vào những doanh nghiệp rủi ro, không có năng lực trả nợ, trong khi những doanh nghiệp chân chính muốn vay lại không tiếp cận được.

Trên thực tế, hàng loạt những sở chéo ngân hàng và những sai phạm, hệ lụy của nó không phải là vấn đề mới. Thế nhưng, sau cả chục năm sôi nổi bàn luận với nhiều giải pháp được đưa ra, dường như những sai phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm và có chiều hướng tăng . Đáng lo ngại hơn, sở hữu chéo ngân hàng đang bị biến tướng với nhiều "chiêu trò" ngày một tinh vi hơn.

Mới đây, vấn đề này lại càng nóng lên khi “đại án” SCB – Vạn Thịnh Phát  được “phanh phui”.  Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng cho biết, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD- Theo thông tin từ các cơ quan báo chí thông tin). Đây được xác định là tiền người dân, khách hàng gửi.

Cơ quan điều tra của Bộ Công an cũng xác định, tuy bà Lan không nắm giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là người có quyền lớn nhất, bởi từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại (<10%) do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Từ vụ việc này cũng cho chúng ta thấy vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay "sân sau" của ngân hàng vẫn còn phức tạp. Đây là một thách thức rất lớn với cơ quan quản lý trong bài toán chống chi phối hoạt động ngân hàng. Vấn đề này cũng nhận được nhiều ý kiến và tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều 23/11 khi thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng sở hữu chéo ngành ngân hàng, dưới góc nhìn lý luận khoa học, và sự phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: “Ngăn chặn rủi ro trong sở hữu chéo” ngân hàng: Thực trạng và giải pháp”. Tuyến bài sẽ đưa ra ý kiến của các chuyên gia tài chính kinh tế môi trường về vấn đề này, từ đó, Ban Biên tập Tạp chí sẽ tập hợp lại để đóng góp ý vào dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng tới các cơ quan hữu quan.

(Còn nữa...)

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Sở hữu chéo ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ thao túng, sai lệch dòng tiền (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới