Sở QH&KT Hà Nội nói gì về các tòa nhà cao tầng trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu?
Sau kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã có báo cáo gửi đơn vị này.
Theo đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (Sở QHKT) Hà Nội đã báo cáo gửi Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thực hiện Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr. Trong báo cáo, Sở QHKT cho rằng nhiều nội dung tại Kết luận số 39 “chưa hợp lý, chưa toàn diện”.
Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh ký, ban hành báo cáo dài 14 trang gửi Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thực hiện Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr.
Qua quá trình rà soát, Sở thấy có nhiều nội dung tại Kết luận số 39 "chưa hợp lý, chưa phù hợp", cần kiến nghị để trao đổi thêm với Thanh tra Bộ Xây dựng nhằm làm rõ và thống nhất làm cơ sở triển khai tiếp việc thực hiện các nội dung đã nêu tại kết luận thanh tra.
Báo cáo của Sở QHKT cho rằng, tại Kết luận số 39/KL-TTr, Thanh tra Bộ Xây dựng đã kết luận về việc thực hiện quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình. Tuy nhiên các nội dung kết luận chưa nêu định hướng quy hoạch cũng như quy hoạch chi tiết trục đường tại các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, kết luận cũng chưa nêu được quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27.6.2011. Chính vì vậy, theo Sở QHKT, Kết luận số 39 đưa ra là chưa đầy đủ và toàn diện, chưa phù hợp quy định về pháp luật cũng như yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô qua các thời kỳ.
Trong văn bản, Sở QHKT viện dẫn nhiều cơ sở pháp lý để khẳng định, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương (trước hợp nhất) và Lê Văn Lương kéo dài (sau hợp nhất) luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng.
Sở QHKT Hà Nội cũng khẳng định, các quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung các quận huyện, quy hoạch phân khu do UBND TP Hà Nội phê duyệt là bước cụ thể hóa và tuân thủ định hướng của Quy hoạch chung và đều có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt.
Báo cáo cũng nêu rõ, việc thực hiện điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này, các quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng các dự án UBND TP đã làm cũng đảm bảo nguyên tắc này, không phá vỡ định hướng quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp nếu điều chỉnh khác thì phải báo cáo Bộ Xây dựng trình Thủ tướng xem xét, cho phép.
Vì vậy, theo định hướng tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết trục đường Lê Văn Lương và trục Tố Hữu năm 2016 cũng như giải quyết điều chỉnh cục bộ quy hoạch các dự án trong đồ án quy hoạch chi tiết trục đường theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với chủ trương về phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.
Việc này dựa trên các quy định pháp lý về quy hoạch qua các thời kỳ; ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và đặc biệt là định hướng tại quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Sở QHKT cũng khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình là đảm bảo phù hợp.
Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các đặc thù yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn này.
Sở QHKT cũng nhấn mạnh về việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận khi lập quy hoạch các trục đường không cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dẫn đến thiếu đất xây dựng trường học, nhà trẻ, cây xanh, sân tập luyện, chợ là chưa phù hợp với quy định Luật Quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành.
Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần làm rõ những vi phạm về quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Với việc biến dạng quy hoạch dễ dàng nhận thấy, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện tồn tại nhiều bất cập về các áp lực hạ tầng giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường.
Trả lời báo Lao Động, PGS-TS-KTS Nguyễn Quang Minh cho biết, từ quy hoạch ban đầu, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư với nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, cần phải tra cứu, xử lý trách nhiệm của những người làm thay đổi quy hoạch không có cơ sở và gây ra những hệ luỵ về kinh tế-xã hội-trật tự trên địa bàn. Cần làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị ở từng cấp quản lý. Trong trường hợp có sai phạm, có trách nhiệm của cả những người về hưu vẫn có thể bị xử lý. Về hưu rồi không có nghĩa là hạ cánh an toàn, hết trách nhiệm.
Cũng theo các chuyên gia, giải bài toán quy hoạch trục Lê Văn Lương - Tố Hữu lúc này liên đới tới cả một hệ thống quy hoạch khu vực, nên cần có một hội đồng tư vấn kiến trúc xây dựng để giúp TP Hà Nội gỡ vướng. Giải pháp với trục Lê Văn Lương - Tố Hữu hiện nay sẽ là giải pháp tổng hợp để giảm áp lực giao thông trên tuyến.
Triều Châu - Thanh Huyền