Chủ nhật, 24/11/2024 09:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/10/2019 15:05 (GMT+7)

Sóc Trăng ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh và thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục thiệt hại.

Sóc Trăng ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai - Ảnh 1
Triều cường gây ngập úng, sạt lở đất tại Sóc Trăng. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN.

Với những diễn biến ngày càng bất thường và khó lường của quá trình biến đổi khí hậu, những tháng đầu năm 2019, nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, lốc xoáy và triều cường xảy ra khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại, trong khi các ngành chức năng dự báo mức ảnh hưởng của thiên tai sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn tỉnh và thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục thiệt hại nhằm đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và khắc phục khẩn cấp. Các địa phương cần phối hợp với cơ quan hữu quan trong việc cắm biển báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm.

Từ kinh phí của Trung ương và của tỉnh, nhiều công trình gia cố sạt lở đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Theo đó, công trình kè gia cố dài 1.493m tại bờ kênh số 1, khu vực chợ Kế Sách (huyện Kế Sách) đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trích dự phòng ngân sách 9,43 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng công trình khắc phục các điểm sạt lở khác. Dự kiến tỉnh cũng sẽ tiếp tục trích khoảng 25 tỉ đồng từ ngân sách dự phòng để hỗ trợ các địa phương thực hiện gia cố khẩn cấp các điểm sạt lở, đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng kè gia cố khẩn cấp khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội (huyện Kế Sách).

Thực tế là từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai do sạt lở, lốc xoáy và triều cường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại về người mà còn ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 30/9, đã có 2.251m bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 476 căn nhà bị sập; 16.935 ha trồng lúa và hoa màu bị thiệt hại. Thiên tai cũng đã làm 1 người thiệt mạng và 5 người bị thương.

Trong số 2.251m bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Kế Sách là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề và thường xuyên nhất khi chiếm hơn 50% số vụ với tổng chiều dài bị sạt lở lên đến 1.298m.

Trong nhiều vụ sạt lở xảy ra, vụ nguy hiểm nhất là sạt lở bờ sông Rạch Vọp đoạn qua khu vực chợ Cầu Lộ thuộc xã Thới An Hội. Khu vực này bị sạt lở khoảng 230m, làm 9 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông.

Một số địa phương ven sông khác cũng chịu ảnh hưởng, điển hình là đoạn qua khu vực thị trấn Đại Ngãi, xã Long Đức và xã Song Phụng (huyện Long Phú) bị sạt lở với chiều dài khoảng 990m, đe dọa đến an nguy của hàng trăm hộ dân sinh sống và các công trình hạ tầng, đường giao thông khác.

Tại địa phương miền biển Vĩnh Châu, đoạn sạt lở bờ biển được ngành chức năng nhận định là đặc biệt nguy hiểm khi chiều dài sạt lở lên đến gần 6.000m, kéo dài từ khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đến cống số 4 thuộc địa phận hai xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Đặc biệt là đoạn sạt lở ở cống số 2 (kéo dài từ địa phận giáp tỉnh Bạc Liêu đến xã Lai Hòa) chiều dài khoảng 3.000m. Đoạn sạt lở này đã được Trung ương bố trí vốn để thực hiện hạng mục công trình gia cố sạt lở đê và hiện tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực thực hiện.

Đoạn từ cống số 2 đến cống số 4 nằm trên địa bàn hai xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân với chiều dài khoảng 3.000m được ngành chức năng nhận định có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Cùng với tình trạng sạt lở được ghi nhận ngày càng nghiêm trọng thì đợt triều cường cao kỷ lục trong 10 năm qua, xuất hiện trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản ở các huyện như Long Phú, Mỹ Tú, Kế Sách và Cù Lao Dung bị thiệt hại nghiêm trọng do tràn và vỡ đê, bờ bao.

Mặc dù người dân đã gia cố các điểm xung yếu nhưng mực nước dâng cao quá nhanh khiến nhiều nông dân “trở tay không kịp”. Chỉ tính riêng tại huyện Mỹ Tú, ước thiệt hại do triều cường đã lên đến hơn 2,5 tỉ đồng; đời sống sản xuất của người dân tại nhiều huyện bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo cho biết trong đợt triều cường tới, nếu cộng hưởng thêm gió chướng thì triều cường sẽ dâng cao và những địa phương ven sông Hậu như Kế Sách, Cù Lao Dung sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên tuyến đê Tả Hữu ở huyện Cù Lao Dung chuẩn bị khắc phục tình trạng tràn đê.

Đối với đê biển, hiện tỉnh đã kiến nghị Trung ương gia cố sạt lở bờ biển trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu và làm kè ngầm. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành đã xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh để tiến hành gia cố, bồi trúc đê đảm bảo an toàn trong thời gian tới.

Sóc Trăng ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai - Ảnh 2
Người dân gia cố lại một đoạn bờ bao bị sạt lở do triều cường. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN.
Bạn đang đọc bài viết Sóc Trăng ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới