Song Phương (Hoài Đức): Tạo hướng đột phá phát triển nông nghiệp gắn với môi trường
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội đạt 54 tỉ đồng, góp phần không nhỏ vào tỉ trọng phát triển kinh tế địa phương.
Tạo hướng đột phá
Chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình Nguyễn Thế Vận (40 tuổi) trú tại thôn 4, xã Song Phương khi vợ chồng anh đang say sưa với việc chăm sóc vườn bưởi, có giá trị kinh tế cao của mình.
Trên vầng trán lấm tấm mồ hôi, anh Vận tâm sự: "Hiện tại vườn của gia đình tôi có trên 100 gốc bưởi, nhiều lúc phải thuê tới 6-7 lao động làm việc mới đảm bảo cho công việc. Tùy theo thị trường từng năm nhưng bưởi cảnh vẫn cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn với các loại cây trồng khác. Tất nhiên, việc chăm sóc loại cây này không chỉ cần am hiểu kỹ thuật mà còn phải nắm bắt tốt nhu cầu thị trường. Nếu các anh đến dịp giáp Tết âm lịch thì vườn nhà tôi lúc nào cũng nhộn nhịp khách, lúc đó bưởi chín vàng nhìn vô cùng thích mắt".
Anh Nguyễn Thế Vận đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình. |
Cũng theo anh Vận, trên địa bàn xã cũng có nhiều người thành công với mô hình phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Như gia đình anh Nguyễn Văn Đông, Ba Lương - thôn 3 với cây nhãn chín muộn 50 năm tuổi, đã được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (thuộc Sở NNPTNT Hà Nội) đã tiến hành cấy ghép mô và nhân ra được 2 giống nhãn chín muộn là HTM1, HTM2 với đặc điểm là quả sai, to, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt thanh và đặc biệt là chín muộn hơn các giống nhãn khác 30 – 45 ngày, do đó bán được giá rất cao.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và đặc điểm của loại nhãn này, gia đình ông Trần Văn Bảy, Ba Lương - thôn 3, đã nhân giống tới 2.000 gốc nhãn muộn. ông Bảy chia sẻ: "Trước đây vườn nhà tôi trồng cam Canh, nhưng do cam hay mất mùa nên chuyển sang trồng nhãn chín muộn. Năm nay giá nhãn dao động từ 35.000- 40.000 đồng/kg, tính ra lãi gấp 3-4 lần cam ước đạt khoảng 700-800 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập trên dưới một tỉ đồng/năm".
Cây nhãn muộn đem lại hướng đột phá trong phát triển kinh tế. |
Niềm vui nhân đôi khi cây nhãn chín muộn của xã Song Phương đã được công nhận nhãn hiệu tập thể nhãn chín muộn. Huyện Hoài Đức được Sở NN&PTNT TP Hà Nội hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm bảo quản nhãn chín muộn cận và sau thu hoạch. Đặc biệt, những năm gần đây, sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Hoài Đức đã được xuất khẩu sang Malaysia, châu Âu, Mỹ, Australia.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Song Phương đạt 54 tỉ đồng, góp phần không nhỏ vào tỉ trọng phá triển kinh tế địa phương.
Gắn với bảo vệ môi trường
Để phát triển kinh tế ổn định, bền vững chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, tổ chức người dân thu gom, tập kết vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp để xử lý theo đúng quy định.
Từ đầu năm đến nay, UBND xã cũng đã chỉ đạo tổ chức 7 đợt tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường đảm bảo môi trường phong quang, sạch sẽ. HTX Thành Công luôn duy trì tốt việc thu gom rác thải vận chuyển về đúng nơi quy định.
BCH Đảng bộ xã Song Phương khóa XXI. |
Ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, sự giám sát của HĐND xã, sự phối kết hợp của các ngành đoàn thể, UBND xã Song Phương đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo hướng đột phá phát triển kinh tế bằng những mô hình mới, hiệu quả. Đồng thời gắn với công tác bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển kinh tế địa phương ổn định, bền vững trong những năm tới.
Doãn Kiên – Quang Huy