Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 15:46 (GMT+7)

Sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhân dân tiết kiệm, hiệu quả

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nêu rõ những cản trở phát triển, làm lãng phí của cải, tiền bạc của đất nước; làm rõ các vấn đề nổi bật trong lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 202

Khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nhìn tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong nước và từ nước ngoài cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, 7/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán.

Đáng chú ý, liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.

Sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhân dân tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 1
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua đó, kết quả thu ngân sách Nhà nước đạt mức cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 2, với tổng số thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ban hành các nghị quyết, quyết định, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021... trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 để chi cho phòng, chống dịch.

Năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, tổng số chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán, trong đó ngân sách Nhà nước đã quyết định chi 74 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng.

Về quản lý nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2021 trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Đến cuối năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 43,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 38,4% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 21,7%. Như vậy, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh năm 2021, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung kiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế tác động của dịch COVID-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

Năm 2022, Chính phủ sẽ tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính-ngân sách Nhà nước, khai thác hiệu quả các dư địa thu để tăng thu ngân sách Nhà nước, triệt để tiết kiệm chi…

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn một số hạn chế như chậm ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hằng năm và 5 năm; chưa điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 cho phù hợp với tình hình mới; chậm ban hành quy định, hướng dẫn chi tiết; một số quy định chưa sát với thực tế, khó thực hiện; còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm thống nhất với hướng dẫn của Trung ương.

Năm 2021, Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Bên cạnh các kết quả đạt được, một số ý kiến nêu rõ các tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt.

Tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong nhiều năm chưa được khắc phục. Còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế; một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên

Đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ các vấn đề lớn, quan trọng, nổi bật, bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã ban hành để Quốc hội thảo luận, kết luận; yêu cầu chọn ra những việc cụ thể để làm rõ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, kể cả những vấn đề mà Chính phủ cần báo cáo, thuyết minh, giải trình cụ thể hơn, ví dụ vấn đề cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; chỉ rõ, chi tiết hơn việc tiết kiệm chi hơn 70 nghìn tỷ đồng.

Sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhân dân tiết kiệm, hiệu quả - Ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề ban hành các văn bản, hướng dẫn văn bản, hệ thống định mức, đơn giá, dự toán, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nêu rõ những cản trở phát triển, làm lãng phí của cải, tiền bạc của đất nước; đồng thời nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng; làm rõ các vấn đề nổi bật trong lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 tiến bộ so với năm 2020, mặc dù có nhiều thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 đạt nhiều kết quả tích cực. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, bảo đảm việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, nhân dân ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, ở những lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên, khoáng sản.

Đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý các giải pháp rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu; nghiên cứu ban hành quy định, tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách; tiếp tục sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế của các cơ quan Nhà nước nhằm tiết kiệm chi; tổ chức triển khai tốt Luật Quản lý tài sản công, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, ngân sách Nhà nước...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần cụ thể hơn về kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, rà soát nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu trong chương trình của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chú ý đến nội dung cải cách hành chính, thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm liên quan đến người dân, doanh nghiệp; chú ý đến lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến tín dụng Nhà nước, tài sản trong các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng cổ phần có cổ phần Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và tình hình tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra, của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội, cơ quan thẩm tra, trong đó lưu ý bố cục, cách trình bày tóm tắt, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp; nêu nổi bật các vấn đề cụ thể và đánh giá, kiến nghị các giải pháp căn cơ, trọng tâm, xác định trách nhiệm rõ ràng.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhân dân tiết kiệm, hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới