Chủ nhật, 24/11/2024 06:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/06/2020 06:43 (GMT+7)

Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn

Theo dõi KTMT trên

Chiều 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.


Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và nhấn mạnh đây là đòi hỏi cấp bách, xuất phát từ thực tiễn, do đó cần bám sát thực tiễn để Luật có tính khả thi và hiệu quả. Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi phải tốt hơn về quản lý nhà nước, phải tăng cường phân cấp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi toàn diện Luật như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đồng thời lưu ý phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật rất rộng, tác động sâu đến kinh tế - xã hội, đến mọi đối tượng, mọi doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân nên phải làm thận trọng. Bên cạnh đó cũng có đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc xây dựng thành Bộ luật; đề nghị cân nhắc xem xét dự án Luật tại 3 kỳ họp để bảo đảm chuẩn bị tốt hơn, tính khả thi cao hơn.

Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn - Ảnh 1
Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều 18/6.

Các đại biểu đánh giá dự thảo Luật được xây dựng rất công phu, có nhiều nội dung rất tiến bộ, đổi mới theo đúng các quan điểm, chủ trương của Đảng và các cam kết quốc tế; đề nghị tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo với luật khác, tháo gỡ những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường hiện tại.

Trong đó đặc biệt chú ý rà soát lại các quy định liên quan đến thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm hành chính, sử dụng ngân sách nhà nước; đề nghị rà soát sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường với các luật khác theo nguyên tắc: các vấn đề bảo tồn, khai thác và sử dụng các thành phần môi trường và tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, phục hồi, cải thiện môi trường thì thuộc Luật Bảo vệ môi trường còn những vấn đề cụ thể trong việc khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ thành từng thành tố của môi trường sẽ do các luật khác điều chỉnh.

Dự thảo Luật quy định rất nhiều các chính sách, các thủ tục hành chính và nhiều khái niệm mới (Giấy phép môi trường; đăng ký môi trường; kiểm toán môi trường; phân vùng môi trường; các vấn đề liên quan đến hạn ngạch phát thải khí nhà kính, định giá carbon, tín chỉ carbon; hạn ngạch xả nước thải, hạn ngạch phát thải khí nhà kính...) nếu không quy định cụ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống, xã hội. Do đó, để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện cần phải làm thấu đáo trong định nghĩa cũng như trong nghiên cứu, đánh giá tác động của nó đối với kinh tế.

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định chi tiết hơn, tối đa hóa tất cả các điều khoản trong Luật; giảm số lượng nội dung giao Chính phủ quy định; khắc phục những điều quy định còn quy định chung chung, thiếu tính quy phạm; xem xét kỹ các nội dung của điều luật và lộ trình thực hiện đảm bảo thực thi được trong xã hội.

Dân kêu không thở được, kiểm tra nói không thấy

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho rằng, nội dung của dự thảo Luật mà Chính phủ trình đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức bảo vệ môi trường. Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, mỗi làng xã và của toàn xã hội. Luật sửa đổi lần này để động viên, để khuyến khích, để tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người chung tay bảo vệ môi trường, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa bảo vệ môi trường, phải kêu gọi được đầu tư theo phương thức PPP tham gia vào hoạt động này và đề Ban soạn thảo sẽ tiếp thu cho hết được những điều đó để sửa đổi.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận đề nghị: cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc đối với việc xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường.

“Như thế nào là giảm thiểu, định lượng giảm thiểu như thế nào để được xem là đảm bảo không khí không còn tác động xấu đến môi trường. Theo tôi cần quy định minh bạch vấn đề này để thuận lợi trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tình trạng người dân phản ánh là ô nhiễm không hít thở nổi, sống không nổi với ô nhiễm không khí. Vấn đề ô nhiễm không khí còn đó nhưng kiểm tra vẫn bảo là đã thực hiện giảm thiểu theo quy định rồi và không thực hiện xử lý nữa. Việc này gây bức xúc trong người dân”, bà Hương nói.

Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn - Ảnh 2
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận.

Cùng nỗi băn khoăn về ô nhiễm không khí, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội kiến nghị: “Tôi đề nghị cần phải quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường các thành phố lớn khu dân cư, nhất là các khu vực thường xuyên chịu áp lực của ô nhiễm do khói bụi, trong đó cần quy định rõ tỷ lệ trồng rừng, tỷ lệ xây dựng công viên các thành phố lớn theo quy hoạch xây dựng và đề nghị bổ sung vấn đề về giải pháp xây dựng và bảo vệ môi trường không khí đô thị, nhất là khu vực thường xuyên chịu áp lực ô nhiễm”.

“Trả tiền theo mức độ phát thải rác, đồng ý nhưng cần nghiên cứu cơ chế kiểm tra giám sát để bảo vệ chính sách, nâng cao ý thức người dân, tăng cường kiểm soát để thực hiện nghiêm quy định này”, ông Nhưỡng nói.

Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn - Ảnh 3
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội.

"Bộ luật này sẽ làm thay đổi được tình trạng môi trường đang ô nhiễm"

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá các ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội với sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chất lượng và phản ánh sát đúng tình hình thực tiễn.

Ông Trần Hồng Hà khẳng định Bộ luật này sẽ làm thay đổi được tình trạng môi trường đang ô nhiễm, suy thoái hiện nay, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Theo đó, có một bộ sàng lọc thật tốt để các dự án đầu tư mới ở trong nước cũng như đầu tư từ nguồn FDI được sàng lọc và đảm bảo cho sự phát triển tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ và tốt nhất ý kiến đại biểu Quốc hội để xây dựng Luật bảo đảm nâng cao tính khả thi trong thực tế; cũng như khi ban hành đảm bảo được tầm nhìn để đẩy sức sống của luật dài hơn và đảm bảo được tính thống nhất giữa bộ luật này với các bộ luật khác. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh mục tiêu là tạo thêm sức mạnh, không tạo ra những mâu thuẫn, xung đột, trùng lắp trong quản lý, xác định là trách nhiệm phải rõ ràng để khi vấn đề môi trường xảy ra sẽ rõ người chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn - Ảnh 4
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết dự thảo Luật sẽ quy định để bảo đảm sự phân công tham gia, chủ trì, phối hợp rõ ràng và tốt nhất cũng như những vấn đề liên quan đến sự tham gia của xã hội. Luật xác định Nhà nước với vai trò chủ đạo trong giải quyết những vấn đề có từ trước, do lịch sử để lại, những vấn đề môi trường đang bức xúc hiện nay và Nhà nước sẽ hỗ trợ cho người dân để đưa các chính sách do chính người dân và doanh nghiệp thực hiện; đồng thời chuyển cán cân từ Nhà nước chủ đạo sang xã hội hóa để đầu tư cho môi trường.

Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường cũng cam kết những vấn đề các đại biểu quan tâm về đến vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, xuyên quốc gia như không khí, nước hoặc một số vấn đề khác như an ninh liên quan đến sinh học sẽ được nghiên cứu và sẽ có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu để thể hiện rõ nét hơn dựa trên tính toán, dự báo cụ thể hơn trong luật.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định Chính phủ sẽ nỗ lực cùng với các cơ quan của Quốc hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật mà Nhân dân đang chờ đợi, để có công cụ pháp lý có thể kiểm soát được tình hình.

Quang Trung

Bạn đang đọc bài viết Sửa luật để tạo thêm sức mạnh, bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới