Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 22:00 (GMT+7)

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại

Theo dõi KTMT trên

Chiều 10/1 vừa qua, trong phiên thảo luận trực tuyến Quốc hội, nhiều đại biểu kiến nghị xem xét lại suất đầu tư, tổng mức đầu tư và phương thức đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.

Đại biểu đề xuất xem xét lại suất đầu tư 201 tỷ đồng/km

Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 ghi rõ dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 12 dự án khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại - Ảnh 1
Nhiều đại biểu kiến nghị xem xét lại suất đầu tư, tổng mức đầu tư và phương thức đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. (Ảnh minh họa)

Có thể tính, với tổng mức bố trí vốn 146.990 tỷ đồng cho 729 km đường cao tốc, như vậy suất đầu tư dự kiến khoảng 201 tỷ đồng/km đường cao tốc tính cả chi phí giải phóng mặt bằng. Nếu không tính chi phí giải phóng mặt bằng thì ước tính 175,4 tỷ đồng/ km đường cao tốc.

Mặt khác, theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) dựa trên xem xét suất đầu tư các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020), tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 ước chỉ 130.605 tỷ đồng, tức giảm 16.330 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ. Như vậy, suất đầu tư cho mỗi km đường cao tốc giảm xuống 179,15 tỷ đồng tính cả chi phí giải phóng mặt bằng và khoảng 152,9 tỷ đồng chưa tính giải phóng mặt bằng.

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại - Ảnh 2
Một phần nội dung dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 10/1, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội dù bày tỏ sự nhất trí cao với đề án xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên đề nghị Chính phủ và Quốc hội cân nhắc thêm về suất đầu tư của dự án này.

Đại biểu kiến nghị: “Cùng là các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ/km hoặc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ 122,6 tỷ/km, Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 125,7 tỷ/km. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng nếu tính toán lại thì chỉ rơi vào khoảng hơn 135 nghìn tỷ tổng mức đầu tư, như vậy rõ ràng là suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần cân nhắc lại”.

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại - Ảnh 3
Đại biểu Hoàng Văn Cường.

“Cùng là các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ/km hoặc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ 122,6 tỷ/km, Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 125,7 tỷ/km".

Liên quan đến phần vốn 72 nghìn tỷ mà Chương trình phục hồi bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra rằng cơ chế chỉ định thầu như dự thảo Nghị quyết đưa ra là cần thiết trong bối cảnh cơ chế đấu thầu còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, nếu kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu thì “không có ý nghĩa gì”.

Từ đó, đại biểu kiến nghị thiết kế lại và công khai minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án, đặc biệt là khi thực hiện chỉ định thầu.

Hình thức đầu tư công hay PPP?

Nói về hình thức đầu tư, tờ trình dự thảo Nghị quyết đề xuất chuyển toàn bộ 12 dự án sang phương thức đầu tư công.

Cũng tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 10/1, đa số đại biểu cho rằng trong bối cảnh dự án cần triển khai nhanh, hiệu quả như hiện nay, phương pháp đầu tư công là nhanh và phù hợp hơn.

Mặt khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng đó là giải pháp "cực chẳng đã".

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại - Ảnh 4
Đại biểu Vũ Tiến Lộc.

“Tôi nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương thức đầu tư thực hiện 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam lần này bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là trong bối cảnh cần phục hồi nền kinh tế nhanh. Nhưng đó là giải pháp cực chẳng đã”.

Đại biểu Lộc nêu rõ: “Tôi và nhiều cử tri có chung một cảm giác hụt hẫng và tiếc nuối. Đành rằng khi người dân và doanh nghiệp tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm, đó là hợp lẽ. Nhưng tôi nghĩ rằng một tuyến đường cao tốc có ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội rất cần thiết như vậy nên là một biểu tượng của ý Đảng lòng dân, của vai trò dẫn dắt điều dành từ Chính phủ và sự chung tay của khu vực tư nhân. Đối tác công tư (PPP) chính là phương thức để chúng ta thực hiện điều đó, nhưng chúng ta chưa thực hiện được”.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật PPP vào năm 2020, đã 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP quay trở lại đầu tư công. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đó có thể xem là một sự không thành công của chính sách. “Lỗi không phải do phương thức PPP mà do cơ chế chính sách chúng ta thiết kế chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân, chúng ta chưa tìm được điểm hòa trong chính sách”, đại biểu nêu rõ.

Từ đó, đại biểu đề nghị các dự án thành phần tiếp theo của dự án cao tốc Bắc - Nam sau đây cần đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, thu hút đầu tư tư nhân tham gia.

Đại biểu Hoàng Văn Cường ở góc nhìn khác đã đề xuất Quốc hội và Chính phủ vẫn nên cân nhắc phương án đầu tư PPP do tính hiệu quả của dự án.

Theo đại biểu, tờ trình đề xuất phương án đầu tư công cho 12 dự án thành phần, sau đó nhượng quyền để thu hồi phí. Tuy nhiên, như Ủy ban Kinh tế chỉ ra rằng Việt Nam hiện chưa có cơ chế nhượng quyền. “Kể cả có nhượng quyền thì ngay trong tờ trình nói rằng 12 dự án thu trong 10 năm cũng chỉ được 37 nghìn tỷ. Điều đó có nghĩa 4 dự án này có thu trong 10 năm cũng chỉ được 10 nghìn tỷ. Như vậy, chúng ta không thể nào có được số tiền bù lại số tiền nhà nước bỏ ra”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói rõ.

Để tăng tính hiệu quả, đại biểu đề xuất: “Tiền ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án nên chuyển cho ngân hàng đầu tư phát triển để cho các nhà đầu tư tư nhân vay. Như vậy những nhà đầu tư tư nhân sẽ có nguồn vốn để thực hiện dự án PPP và đương nhiên họ sẽ hoàn trả lại. Chúng ta đều biết rằng để nhà đầu tư tư nhân tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần Nhà nước đầu tư sau đó cho bên khác vận hành, thu phí trở lại”.

Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại - Ảnh 5
Đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Chúng ta đều biết rằng để nhà đầu tư tư nhân tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần Nhà nước đầu tư sau đó cho bên khác vận hành, thu phí trở lại”.

Về nguy cơ tỷ lệ đầu tư Nhà nước có thể lên tới 54-56%, vượt trần 50% tổng mức đầu tư của dự án đã được quy định tại luật PPP; Đại biểu đề xuất tách riêng gói giải phóng mặt bằng, Nhà nước chịu phần giải phóng mặt bằng. Như vậy, phần vốn Nhà nước còn lại trong tổng mức đầu tư dự án PPP sẽ không vượt mức trần 50%, giải quyết được vướng mắc của Luật.

Trong trường hợp chuyển một số dự án thành phần đã được phân bổ theo phương thức PPP sang đầu tư công như tờ trình đề xuất, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là vấn đề nợ công với nền kinh tế.

Đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý thực hiện nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản Nhà nước khi nói về vấn đề nhượng quyền thu phí cao tốc.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Suất đầu tư 201 tỷ đồng/km Cao tốc Bắc - Nam: Đại biểu đề xuất xem xét lại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới