Suy ngẫm về tính khả thi của việc kiểm kê khí thải trong thực hiện kế hoạch quản lý CLKK cấp tỉnh
Dưới đây là những suy ngẫm của Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về việc thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2021 – 2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1. Mở đầu
Mới đây, ngày 13 tháng 11 năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 1973/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia vềquản lý chất lượng không khígiai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt là KHQG) theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Mục tiêu tổng quát của kế hoạch này không khác nhiều kế hoạch phê duyệt của Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 nhưng mục tiêu cụ thể thì ít hơn và không có định mức cụ thể. Các chương trình nhiệm vụ cụ thể cũng rất hạn chế và mỗi nhiệm vụ cũng không có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Ví dụ, trong chương trình 4 về Kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải và phổ biến thông tin về chất lượng không khí có mục a về thực hiện kiểm kê nguồn khí thải do Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan là cơ quan phối hợp và thời gian thực hiện: Đến 2025. Chỉ nhìn những gì hiển thị trong kế hoạch rất khó hình dung kết quả của chương trình này, chẳng hạn chỉ kiểm kê nguồn khí thải hay cả mức phát thải, đến 2025 đã có số liệu phát thải chất ô nhiễm khí cho tất cả các Bộ, ngành, của tất cả địa phương chưa. Nếu tổ chức tốt, nên đưa ra mục tiêu cần đạt và lập thành chương trình nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung làm rõ những gì phải làm, ai sẽ làm, làm như thế nào và kết quả ở mức nào vào năm 2025. Một số chương trình khác cũng có thể tổ chức thành chương trình nghiên cứu kiểu như vậy.
Trong công tác tổ chức thực hiện kế hoạch này, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Như vậy ngoài kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí (QL CLKK) sẽ có kế hoạch cấp tỉnh, thành phố. Trước đó ngày 07 tháng 6 năm 2021 Bộ TN&MT đã có công văn số: 3051/BTNMT-TCMT V/v hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là HDKT) gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một cố gắng rất lớn của Bộ TN&MT để có được văn bản hướng dẫn khá chi tiết giúp các địa phương xây dựng được kế hoạch QL CLKK của địa phương mình.
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành công tác lập và tiến tới thực hiện kế hoạch này và bản thân người viết cũng đã được mời nhận xét hai thuyết minh lập đề cương nên phải đọc kỹ hướng dẫn của Bộ TB&MT. Sau đây xin có một số ý kiến về tính khả thi của một số vấn đề đặt ra trong bản hướng dẫn này.
- Về tính khả thi của công tác kiểm kê khí thải (KKKT)
Hiện tại (đến 2021) Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu chính thống về lượng thải các chất ô nhiễm không khí. Vì vậy, kiểm kê phát thải là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt để các cơ quan nhà nước nắm được thực trạng, diễn biến thải lượng chất ô nhiễm, từ đó có chính sách quản lý CLKK hiệu quả hơn. Thật ra, cũng đã có những đề tài tính toán lượng thải chất ô nhiễm không khí cho một số vùng, số ngành nhưng còn mang tính địa phương, trong thời hạn cụ thể nên chưa hình thành được cơ sở dữ liệu có thể trích xuất sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn.
Kiểm kê khí thải không phải là vấn đề quá khó nhưng cũng không phải dễ, cần huy động đủ nguồn lực, có kế hoạch, có cách tiếp cận khoa học mới có thể thực hiện tốt công tác này. Trong KHQG và trong HDKT, KKKT là công việc được đề cập đầu tiên nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi bắt tay thực hiện. Những gì được hướng dẫn trong văn bản của Bộ TN&MT liệu đã đủ chưa, dễ hiểu, dễ thực hiện chưa và liệu thực hiện có thống nhất giữa các địa phương hay không cần được làm rõ hơn nữa và nếu cần, Bộ TN&MT nên có những tập huấn, tiến hành KKKT mẫu ở một địa phương nào đó trước khi tiến hành đại trà ở các tỉnh khác.
Chúng tôi đã tra cứu nhiều tài liệu liên quan đến KKKT và nhận thấy: KKKT phải được thực hiện bài bản thì mới cho kết quả mong muốn. Theo tài liệu của US EPA [1] thì vào năm 1993, nghĩa là hơn 30 năm trước, Chương trình Cải thiện Kiểm kê Phát thải (EIIP) được thành lập ở Mỹ nhằm thúc đẩy việc phát triển và sử dụng các quy trình thu thập, tính toán, lưu trữ, báo cáo và chia sẻ dữ liệu phát thải chất ô nhiễm không khí. EIIP được thiết kế để thúc đẩy việc phát triển kiểm kê phát thải với mục tiêu chất lượng, tiết kiệm chi phí, dữ liệu thu được đáng tin cậy và người dùng có thể truy cập được. Để đạt được mục tiêu này, EIIP đã phát triển hướng dẫn KKKT cung cấp cho các tiểu bang và các cơ quan địa phương, cộng đồng, công chúng và EPA. Các tài liệu được chuẩn bị theo EIIP sẽ:
- Thiết lập các thủ tục, tiêu chuẩn để chuẩn bị kiểm kê phát thải, chọn các phương pháp ưu tiên và thay thế để ước tính phát thải;
- Thúc đẩy sự nhất quán trong phạm vi kiểm kê giữa các cơ quan/nhóm báo cáo;
- Lập hồ sơ các phương pháp đảm bảo chất lượng (QA) / kiểm soát chất lượng (QC) nhất quán áp dụng cho tất cả các chương trình KKKT;
- Cung cấp hướng dẫn để cải thiện hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu hiện tại; và
- Chỉ định mô hình dữ liệu chuẩn và định dạng truyền dữ liệu để tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.
EIIP là một chương trình chung của các Quản trị viên Chương trình Ô nhiễm Không khí của Tiểu bang, Vùng lãnh thổ. Hiệp hội các Quan chức Kiểm soát Ô nhiễm Không khí Địa phương (STAPPA/ALAPCO) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Trong khi EPA điều phối các nỗ lực EIIP, tất cả các nhiệm vụ được thực hiện bởi các ủy ban làm việc bao gồm các nhân viên cơ quan nhà nước và địa phương, của EPA và của các ngành liên quan [1].
Đọc tiếp các tài liệu nước ngoài khác chúng tôi cũng cảm nhận được công tác KKKT phải được chuẩn bị chu đáo thì mới cho kết quả tốt. Những gì nêu trong công văn của Bộ TN&MT còn nhiều hạn chế và nếu không có chương trình hành động kiểu như EIIP thì KKKT ở Việt Nam khó đạt kết quả mong muốn. Xin nêu một số hạn chế cơ bản sau:
- Chưa rõ quy định về lập kế hoạch KKKT cả ở cấp quốc gia và địa phương.
- Chưa rõ kế hoạch tập huấn cho cán bộ tham gia KKKT các cấp.
- Chưa quy định thật rõ về cách xác định nguồn thải và hệ số phát thải tương ứng.
- Chưa quy định về thực hiện QA/QC trong KKKT
- Chưa định dạng rõ cấu trúc cơ sở dữ liệu KKKT
- Chưa nêu rõ cách tính kinh phí, nhân lực, thiết bị,... và từ nguồn nào
.......
Xin nêu một ví dụ liên quan đến xác định được các nguồn thải xuất hiện trong phạm vi kiểm kê. Trong thực tế, nguồn thải khá đa dạng và nhiều khi khó nhận biết. Rất may là, qua nhiều nghiên cứu đã liệt kê, phân loại được các nguồn khí thải nên chỉ cần tra cứu danh sách liệt kê này, đối chiếu với điều kiện thực tế sẽ biết nguồn thải nào đó có cần đưa vào kiểm kê hay không. Khi nhóm KKKT cho Hà Nội của dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ năm 2020 - 2021 [2] thảo luận về các nguồn thải bụi mịn PM2,5 thì đã nêu được nguồn chính như nguồn giao thông, nguồn sinh hoạt, nguồn công nghiệp,... nhưng lúc đầu không tính đến nguồn bụi đường. Phải sau khi tham khảo nhiều tài liệu, nhiều bài báo thì mới quyết định tính mức thải bụi mịn từ nguồn này và kết quả không ngờ là nguồn này đóng góp lượng không nhỏ trong tổng phát thải do hoạt động con người gây ra (hình 1).
Nguồn bụi đường đối với bụi lơ lửng tổng số TSP, bụi PM10, PM2,5 cũng không được nhắc tới trong HDKT của Bộ TN&MT nên rất dễ bị bỏ qua.
Kết quả KKKT nêu trong HDKT là các bảng nêu mức thải của từng loại nguồn trong một năm của toàn bộ lãnh thổ kiểm kê nhưng khi xây dựng cơ sở dữ liệu phải cụ thể hóa với nhiều yếu tố cần xác định. Theo chúng tôi, vùng lãnh thổ kiểm kê thường lớn nên cần chia nhỏ thành các ô vuông và tiến hành kiểm kê để có số liệu phát thải từng ô, cả nguồn điểm, nguồn mặt. Với nguồn điểm mức thải được tính bằng đơn vị tấn/năm hay g/s và cần thêm các yếu tố: độ cao nguồn thải (m), đường kính miệng thải, tốc độ phụt tại miệng thải (m/s) hoặc lưu lượng nguồn thải (m3/s), nhiệt độ nguồn thải (oC), tọa độ nguồn thải để đưa vào chạy mô hình khuếch tán chất thải. Mức thải nguồn mặt được đo bằng tấn/diện tích nguồn/năm (hoặc g/m2/s) và nếu không chia nhỏ thì diện tích nguồn chính là diện tích toàn vùng kiểm kê. Để sử dụng làm đầu vào cho mô hình khuếch tán cần chia thành nguồn có kích thước nhỏ hơn và không gì tốt hơn là tính cho các ô lưới hoặc kết hợp các nguồn có cùng mức thải (đo bằng g/m2/s). Chúng ta sẽ có KKKT cho cả quy mô quốc gia và quy mô tỉnh, thành phố nên theo chúng tôi phải có ô tiêu chuẩn quốc gia, chẳng hạn diện tích ô vuông 8km x 8km hoặc 10km x 10km (hoặc kích thước theo chuẩn quốc gia nào đấy) và vị trí “chuẩn” bao quát nội thành Hà Nội chẳng hạn. Các ô khác sẽ nối từ ô chuẩn này ra và khi các địa phương chia nhỏ thì cũng lấy chuẩn từ những ô này để chia thành ô 4km x 4km hay 5km x 5km. Như vậy, mỗi tỉnh sẽ có từ vài chục đến vài trăm ô kích thước quốc gia và có thể yêu cầu các tỉnh kiểm kê cho từng ô thuộc địa phận của họ. Để minh họa, xin dẫn kết quả kiểm kê phát thải bụi mịn (PM2,5) từ nguồn giao thông Hà Nội năm 2015 trên hình 2. Mức phát thải của mỗi ô lưới 4kmx4km được xác định và sau đó ghép các ô có cùng mức thải thành nguồn mặt (24 nguồn), tô màu theo mức thải. Trong hình, màu được tô theo khoảng mức thải nên khó phân định 24 nguồn cụ thể. Ngoài ra còn có các nguồn đường với mức phát thải cũng tính bằng g/m2/s. Các nguồn loại này có thể dùng làm đầu vào để chạy mô hình khuếch tán, chẳng hạn như mô hình AERMOD.
Về hệ số phát thải, qua tham khảo tài liệu và qua thực tế sử dụng chúng tôi thấy có các nguồn cung cấp chính như: (1). Nguồn từ WHO (1993), tuy đã có từ lâu nhưng các hệ số phát thải được xác định phù hợp với tình trạng phát triển còn ở mức thấp, nhiều khi phù hợp với điều kiện Việt Nam, (2). Nguồn từ cuốn sách do UNEP xuất bản năm 2013 [3] có sự tham gia biên soạn của nhiều nhà khoa học làm việc ở Học viện Công nghệ châu Á (AIT) Thái Lan và sự đóng góp của nhiều nhà khoa học thuộc các nước Đông Nam Á, châu Á nên gần điều kiện Việt Nam, (3). Tài liệu US AP42 của Mỹ đã được nêu trong HDKT của Bộ TN&MT và một số nguồn khác.
Do có nhiều nguồn cung cấp hệ số phát thải và hệ số phát thải lại nằm trong một khoảng giá trị (đôi khi khá rộng) nên việc lưa chọn để sử dụng không dễ dàng, phải thảo luận để có ý kiến thống nhất. Chắc chắn, không thể có hệ số phát thải “đúng” và cũng không thể có sự đồng thuận của mọi người nhưng khi đã thống nhất phải sử dụng trong giai đoạn đủ dài.
Về tập huấn cho cán bộ làm công tác kiểm kê, thực chất là chuẩn bị nhân sự thực hiện công tác KKKT phải được tổ chức thật tốt để họ thu nhận được các kiến thức cần thiết đủ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi nhớ cách đây gần 20 năm tôi cũng đã được mời giảng cho một lớp tập huấn KKKT do Sở TN&MT Hà Nội mở theo tài liệu do Mỹ cung cấp. Đọc lại tài liệu này tôi thấy vẫn còn nguyên giá trị, có thể sử dụng tiếp.
Về kinh phí cho KKKT, nên định rõ nguồn kinh phí và định mức chi tiêu cho một số hạng mục để dễ dự toán. Trong thực tế, nhiều tỉnh đã có thể thu xếp được nguồn kinh phí chi cho công tác QLMT nói chung và QL CLKK nói riêng nhưng các tỉnh không làm như nhau nên có tỉnh xây dựng được hệ thống nhiều trạm quan trắc CLKK tự động cố định (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương) nhưng có tỉnh chưa hề có một trạm nào loại này. Vậy, kinh phí cho việc lập, thực hiện Kế hoạch QL CLKK nói chung và KKKT nói riêng của các tỉnh không được chỉ rõ nguồn, mức dự toán thì sẽ khó có được kết quả tốt, đồng bộ.
Thay lời kết
Một vài ý kiến ở trên là những trăn trở của một người đã có nghiên cứu, thậm chí đã tiến hành KKKT (nhưng cho quy mô hạn chế) nên nó mang tính cảnh báo là chính. Hiện tại, chưa có kế hoạch QL CLKK cấp tỉnh nào đang được thực hiện nên ý kiến trên chưa được kiểm nghiệm, vẫn ở mức dự báo.
Tuy nhiên, chúng tôi rất muốn có từ 1 đến 3 dự án thử nghiệm để lập và thực thi Kế hoạch QL CLKK (một vài năm) ở một số địa phương để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tài liệu tham khảo
[1]. Introduction to Emission Inventory Improvement Program (EIIP), 1997
https://www.epa.gov/sites/default/files/2015-08/documents/i01.pdf
[2]. Additional modelling for the development of GAINS Air Quality application for the greater Hanoi area, Dự án thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa môi trường, do Ngân hàng Thế giới tài trợ, 2021.
[3]. UNEP 2013, Atmospheric Brown Clouds Emission Inventory Manual (ABC EIM).
file:///C:/Users/hoang/Downloads/ABC_EIM.pdf
Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam