Thứ năm, 09/01/2025 23:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 28/12/2024 06:50 (GMT+7)

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Xu hướng chung của giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện cả Đức, Trí, Thể, Mỹ để học sinh tốt nghiệp có được kiến thức cơ sở, cơ bản về tất cả các lĩnh vực.

Giai đoạn học phổ thông – Giáo dục phổ thông

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 2) - Ảnh 1
Học sinh Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội.

Xu hướng chung của giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện cả Đức, Trí, Thể, Mỹ để học sinh sau khi tốt nghiệp có được kiến thức cơ sở, cơ bản về tất cả các lĩnh vực đời sống đương đại, có thể hiểu được cơ bản những gì đang xảy ra xung quanh để định hướng cho việc tìm hướng học “nghề”, học cao hơn, sâu hơn, từ đó tìm được công việc/làm nghề để kiếm sống và phục vụ xã hội. Đa phần học sinh phổ thông ở Việt Nam hiện nay chưa phải là công dân (chưa đến 18 tuổi) nên còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện gia đình. Vì vậy, gia đình đóng vài trò hết sức quan trọng, cung cấp kinh phí, ăn ở, chi trả học phí, mua sắm sách vở, học cụ,… Ngoài ra, cha mẹ, ông bà, người lớn trong nhà, trong họ còn là người trực tiếp tham gia giáo dục như làm gương; dạy, trợ giúp kiến thức cho con cháu mình nữa. Hầu như toàn bộ các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình được đi học và họ cũng dần dần hiểu hơn mục đích cho con không phải học chỉ để làm quan, học để giàu có, làm ông này bà nọ (cho dù đây là mong ước chính đáng) mà trước tiên học để nâng cao kiến thức về tự nhiên, xã hội, để nâng cao khả năng, kỹ năng sống, kỹ năng kiếm sống sau này.

Tuy nhiên, con người sinh ra có những hoàn cảnh, khả năng nổi trội khác nhau. Có người sinh ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn nhiều hạn chế về điều kiện vật chất nhưng cũng có người sinh ra là đã có điều kiện kinh tế khá hơn, sinh ra ở các đô thị với điều kiện học tập tốt nên trong giáo dục phổ thông cũng phải quan tâm đến sự khác biệt này. Nếu như trước kia chúng ta ưu tiên cho học sinh vùng khó khăn theo cách giảm bớt yêu cầu trong giáo dục thì nay, khi điều kiện kinh tế phát triển đã cố gắng nâng cấp các điều kiện giáo dục để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn được học đầy đủ chương trình và học tốt.

Một điểm khác biệt nữa là khả năng của từng học sinh, mỗi em có những mặt mạnh, sở trường, năng khiếu riêng, khi tạo đúng điều kiện thì các em có thể phát huy và có thành tựu trong nhiều môn học, cả lý thuyết và thực hành. Vì vậy, một trong những mong muốn của các bậc phụ huynh là nhà trường, xã hội có nhiều hoạt động có tính nâng cao đối với nhiều môn học, kể cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể dục, thể thao, văn nghệ,… Những năm qua, với sự thiết lập các nhóm, các câu lạc bộ, các lớp nâng cao với sự đầu tư cả về cơ sở vật chất và mời các Thầy Cô, các nhà khoa học, các vận động viên, nghệ sỹ giỏi về dạy, nói chuyện đã giúp nhiều em phát huy được năng khiếu (có phần bẩm sinh) của mình. Các trường học trước đây chỉ tập trung vào học trên lớp, nay đang dần học nhiều hơn ngoài thực địa nên nhà trường phải có chỗ/sân bãi để các em chơi các môn thể thao (cầu lông, chạy, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn,…; phải phòng tập, nhạc cụ để các em có năng khiếu và có ham muốn  tập hát, múa, chơi các loại nhạc cụ, có phòng thí nghiệm để các em làm quen dần với nghiên cứu khoa học, tìm tòi, phát minh, từ đơn giản đến phức tạp. Trong một số trường hợp, các nhà trường nên tận dụng tất cả những điều kiện có sẵn ở khu vực, liên kết với các cơ quan chuyên môn cao ở khu vực xung quanh để đưa các em đến học tập. Chúng ta đã có thể vui vì các trường phổ thông đã có nhiều hoạt động như vậy nên đã tạo điều kiện cho học sinh năng khiếu học tập, thể hiện và đạt được kết quả cao khi tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, hội thao, hội diễn.

Tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp/xem thấy nhiều em nhỏ, nhiều học sinh có năng khiếu từ rất nhỏ như nhào lộn, chơi trống, chơi đàn, nhớ thông tin về quốc gia, tính nhẩm,… Và, tôi hiểu rằng cả hệ thống giáo dục phải có nhiệm vụ tìm, phát hiện ra các năng lực của từng học sinh, tạo điều kiện để các em phát huy năng khiếu của mình, định hình ham thích rèn luyên để sau này có thể định hướng cho học tập cao hơn, định hướng nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi. Bằng cách mở ra nhiều sân chơi như hội thao (Hội khỏe Phù Đổng chẳng hạn) chúng ta sớm phát hiện những em có năng khiếu thể thao; qua các chương trình trên truyền hình (như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng tương lai, Siêu trí tuệ, Đường lên đỉnh Olympia,…) chúng ta đã tìm ra những giọng ca chất lượng, những người có biệt tài ngày một nhiều cho đất nước; tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi (hầu như có ở tất cả các môn) đã tìm được những “nhà vô địch” về toán, vật lý, hóa học, văn học,… Việt Nam đã sớm tạo những trường chuyên, lớp chọn để các em học sinh có môi trường học, thực hành các môn có năng khiếu ở mức cao hơn.

Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về các trường chuyên nhưng rõ ràng nhiều học sinh từ các trường này đã đạt nhiều thành tích cao nhiều huy chương ở các sân chơi khu vực và quốc tế. Đến giữa năm 2018, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH QGHN đã giành 238 huy chương các loại tại đấu trường khu vực và quốc tế, trong đó có 198 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế với 58 huy chương Vàng, 72 huy chương Bạc và 68 huy chương Đồng. Và, nhiều học sinh trường chuyên, lớp chuyên này đã trở thành những nhà khoa học tầm cỡ quốc tế như GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn, GS. Đàm Thanh Sơn,…

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 2) - Ảnh 2

Học hết phổ thông, học sinh có giai đoạn khá nhạy cảm, đó là tìm cho mình lĩnh vực học tập tiếp, học lên cao hơn ở các trường đại học, cao đẳng hoặc học nghề để nhanh chóng có nghề kiếm sống. Vì vậy, nếu các em đã có sự chuẩn bị từ sớm, được các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo và cả xã hội tạo điều kiện để nhận biết được năng lực của mình thì sẽ giúp các em chọn được hướng phù hợp nhất với mong muốn của mình. Cũng phải nói thêm rằng, ngày nay các em được thả sức lựa chọn ngành nghề mà các em thích còn ngày xưa, lứa chúng tôi thì phải học, làm nghề theo sự phân công của tổ chức. Thực ra, lứa chúng tôi có những khi thấy vô lý, mình thích học ngành này lại phải sang học ngành khác nhưng được giải thích là do yêu cầu xã hội nên cũng yên tâm. Bản thân tôi học xong lớp Toán đặc biệt ở Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967 nhưng được phân công sang học ngành Khí tượng thuộc Khoa Địa lý-Địa chất nên cũng buồn. Nhưng được Thầy Chủ nhiệm khoa, Giáo sư Nguyễn Văn Chiển (người đưa yêu cầu cử học sinh chuyên toán về học tại khoa) khuyên nhủ, nói rõ ngành này xã hội đang cần (vì chưa có đào tạo hệ đại học chính quy) nên tôi yên tâm học tập. Còn các em học sinh ngày nay được lựa chọn nên cũng chịu nhiều áp lực, liệu chọn ngành này đã đúng chưa?, sao không chọn ngành kia?,…

Như vậy, những phân tích ở trên đã gợi ý đưa ra một phần của triết lý giáo dục phổ thông là giúp học sinh nhận biết và tạo điều kiện tối đa để các em phát huy hết năng lực, năng khiếu của mình, giúp định hướng cho quá trình học tập, lao động sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Giai đoạn học tập sau khi rời ghế trường phổ thông, có thể gọi là học nghề. Thật ra, có nhiều em rời ghế trường phổ thông nhưng chưa có bằng tốt nghiệp do phải dừng học giữa chừng nhưng hiện nay số lượng học sinh này rất ít. Vì vậy, chỉ xin đề cập tới những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông, họ sẽ lựa chọn học nghề gì, trường gì để sau này có kỹ năng, kiến thức tốt để kiếm sống và tiếp tục học cao hơn nữa. Vì vậy, giai đoạn đào tạo nghề được coi là giai đoạn đào tạo nhân công, lao động cho các hoạt động kinh tế, tạo khả năng tìm việc làm cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Vì vậy, hiện nay, ngành đào tạo nghề được coi là ngành kinh tế quan trọng. Sản phẩm đầu ra của ngành này được nhiều người coi là Người có đủ kiến thức, tay nghề để thực hiện công việc được tổ chức tuyển dụng giao phó. Tuy nhiên, chính xác hơn phải nói sản phẩm của ngành đào tạo nghề là sức lao động của những người tốt nghiệp vì sản phẩm này có thể mua bán được trên thị trường. Và cho dù là người lao động hay sức lao động của con người có thể gộp chung trong từ lao động để hiểu về thị trường lao động.

Nói thị trường lao động phải nói tới nguồn cung/bên cung/người cung/bên bán và nguồn cầu/bên cầu/ người cầu/người mua lao động. Người cung lao động thực chất là người có tay nghề nào đó (có chứng chỉ hành nghề, có bằng cấp đào tạo, có sức khỏe,…) nộp đơn tìm việc làm nên ngành đào tạo nghề được coi là ngành tạo nguồn cung lao động. Ngày xưa chúng tôi đi học được Nhà nước nuôi nên khi ra trường chịu sự phân công của Nhà nước là chuyện bình thường còn bây giờ người học tự bỏ tiền học (tất nhiên có thêm hỗ trợ của Nhà nước) nên tốt nghiệp có quyền chọn nơi làm việc, kể cả ra nước ngoài học tiếp và làm việc ở đó.

(Còn nữa)

Lời cảm ơn: Người viết bài này xin chân thành cảm ơn GS. TSKH Trần Văn Nhung, đã đọc, chỉnh sửa và góp những ý kiến rất bổ ích, giúp hoàn thiện bài viết.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới