Chủ nhật, 24/11/2024 09:47 (GMT+7)
Thứ ba, 16/02/2021 12:52 (GMT+7)

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái

Theo dõi KTMT trên

Đứng thứ bảy trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, Tà Chì Nhù được đánh giá là đỉnh núi có cảnh quan khá hùng vĩ cùng hệ sinh thái rừng đa dạng, là điểm khám phá rất được dân leo núi cũng như những người ham chinh phục yêu thích.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 1

Chúng tôi đến với huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khi đồng hồ đã quá 12h đêm, với quãng đường gần 250 km xuất phát từ Hà Nội. Huyện vùng cao Trạm Tấu trước đây vốn nổi tiếng bởi những cánh rừng pơ-mu nguyên sinh, những thung lũng ruộng bậc thang bạt ngàn hay mạch nguồn suối khoáng nóng. Qua nhiều năm trở lại, trung tâm huyện đã mọc lên rất nhiều nhà nghỉ cộng đồng, homestay của đồng bào Thái phục vụ du khách, từ chỗ nghỉ đêm dạng nhà sàn tập thể, đến các dịch vụ ăn uống, ẩm thực đầy đủ. Chúng tôi nghỉ lại đây một đêm, để sáng hôm sau theo lời hẹn trước, gặp các bạn porter (những gùi cõng thực phẩm, trang thiết bị hỗ trợ khách du lịch) người Mông tại trung tâm chợ huyện, rồi mới cùng nhau đến Mỏ Chì, điểm xuất phát cũng chính là chân của ngọn núi Tà Chì Nhù cần chinh phục.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 2
 Khung cảnh tuyệt đẹp trên đường từ trung tâm huyện Trạm Tấu vào Mỏ Chì, ruộng bậc thang chính là một trong những "đặc sản" của vùng đất này.

Được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Yên Bái, Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Dãy núi Hoàng Liên Sơn ở nước ta chạy dài tới 180 km theo hướng tây bắc - đông nam, giữa hai tỉnh Lào Cai, Lai Châu, kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Những ngọn núi cao nhất đều tập trung ở đây. Tà Chì Nhù đạt độ cao chính xác là 2.979 m so với mực nước biển, đứng thứ bảy về độ cao ở Việt Nam.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 3

Theo đúng hẹn, chúng tôi gặp anh em porter người Mông tại trung tâm chợ huyện lúc 8h, làm quen và cùng đi chợ chuẩn bị đồ ăn trưa, tối, ăn sáng ngày hôm sau trên điểm lán trại 2.400 m. Porter ở Tà Chì Nhù vừa là người dẫn đường, vừa là người hỗ trợ đoàn, khuân vác đồ ăn, balo, nấu nướng... cũng như là người xin phép chính quyền cho leo núi, đặt thuê chỗ nghỉ đêm trên lán 2.400m. Họ là những người Mông thạo việc, có sức khỏe, chăm chỉ và đã làm công việc thầm lặng này cho các đoàn du lịch, leo núi nhiều năm qua.

Về cơ bản, Tà Chì Nhù là một ngọn núi không quá khó. Bạn chỉ cần chịu khó tập thể dục hoặc có sẵn nền tảng thể lực tốt một chút là dễ dàng chinh phục được nó. Tổng quãng đường cho hành trình hai ngày một đêm ở đây chỉ 18 km cả đi lẫn về. Địa hình leo núi không có nhiều đường tắt, rậm rạp hay lối rẽ ngang, không có nhiều hẻm vực, vách núi cheo leo, khá an toàn cho mọi người vì chủ yếu là đường mòn. Nhưng con đường mòn này khá dốc, liên tục, sẽ là ác mộng nếu leo núi đúng ngày mưa, con đường dốc đất này sẽ hóa thành bùn nhão. Chính vì vậy bạn cần phải theo dõi kỹ dự báo thời tiết cho chuyến đi của mình.

Cung đường thì đơn giản nhưng cảnh quan Tà Chì Nhù lại rất đẹp, thay đổi liên tục theo độ cao. Khi là đi trong rừng già nguyên sinh, lúc đi qua suối, đi xuyên rừng tán thấp, đồng cỏ, rừng trúc... đến khoảng đồi trọc trơ trọi gần đỉnh. Và chia ra làm ba chặng: chặng 1 ở độ cao khoảng 1.200 m tại Mỏ Chì ngay chân núi, điểm xuất phát này hiện vẫn thuộc một công ty khai thác chì quản lý, thường các đoàn sẽ dừng ở đoạn suối trong rừng để ăn trưa. Chặng 2 được bắt đầu từ suối lên đến lán nghỉ đêm cao 2.400 m, đây là nơi ăn nghỉ của mọi người trước khi bước vào chặng 3 sáng hôm sau, từ lán lên đến đỉnh.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 4
 Mất chừng hơn một tiếng ban đầu cho đoàn làm quen dần với những con dốc vừa phải, đi xuyên những đồng cỏ, nương chè, sự thay đổi độ cao cũng như địa hình là chưa đáng kể.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 5
 Con suối đầu tiên nơi đoàn dừng chân, cũng là điểm ăn trưa trước khi bước vào chặng hai chỉ toàn những con dốc gắt.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 6
Đây là chặng đường gây mất sức nhất trong toàn bộ hành trình, do vừa đi sau giờ ăn trưa, nắng nóng cùng quãng đường liên tục là những con dốc chỉ có lên mà không xuống, những con dốc đất này nếu gặp trời mưa sẽ cực kỳ trơn trượt.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 7
 Rừng cũng thay đổi từ rừng rậm nguyên sinh sang kiểu rừng lùn tán thấp.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 8

Sau khoảng 3-4 giờ leo liên tục vừa đi vừa nghỉ, chúng tôi cũng đã lên đến điểm trại 2.400 m so với mực nước biển. Trước kia, ở đây chỉ là một bãi đất trống, các đoàn leo núi lên đến đây phải tự mang theo lều trại để cắm, nước sinh hoạt cũng phải vác từ dưới núi lên. Sau này nhận thấy lượng khách leo núi Tà Chì Nhù càng ngày càng cao, anh em porter người Mông đã đồng lòng dựng lên một căn lán trại bằng gỗ, sức chứa 100 người, dẫn nước suối về sinh hoạt, có đủ chăn đệm, có nhà bếp nấu nướng, khu vệ sinh, với giá 100.000đ/người/đêm.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 9

Từ lán lên đỉnh khoảng 2,5 km, đây cũng là quãng đường đẹp nhất toàn bộ hành trình, là nơi ngắm hoàng hôn bình minh tuyệt đẹp bởi không gian thoáng đãng với quang cảnh là những sống lưng "khủng long", thung lũng hùng vĩ của khối núi Pú Luông.

Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 10
 Dọc những sườn núi phủ kín sắc tím hồng của cỏ "Mật Rồng", đây là một loại hoa rất đặc biệt, còn có tên gọi là hoa Đại Tử Đương Dược.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 11
 Những chú ngựa trên con đường "chinh phục" đỉnh núi.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 12
 Hoàng hôn Tà Chì Nhù với hướng nhìn toàn cảnh về thung lũng bên dưới là huyện Trạm Tấu, được coi là một trong những ngọn núi ngắm hoàng hôn đẹp nhất. 
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 13
 Do đó, rất nhiều người lựa chọn lên đỉnh luôn buổi chiều, để dành sáng hôm sau đón bình minh bên dưới lán trại cho thuận tiện chặng về.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 14
 Khoảnh khắc ý nghĩa nhất của chuyến đi chính là giây phút chạm vào cột mốc đánh dấu độ cao 2.979 m của Tà Chì Nhù, bạn đã là người chinh phục được ngọn núi cao thứ bảy Việt Nam.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 15
 Sau một đêm no say, một giấc ngủ ngon lành trên lán trại, chúng tôi lại có cơ may được đón thêm một buổi bình minh đáng nhớ nữa trước khi xuất phát quay ngược xuống núi.
Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái - Ảnh 16

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới những người anh em porter hiền lành, cần mẫn, không ngại khó ngại khổ, luôn luôn trách nhiệm và nhiệt tình, đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành chuyến đi này một cách trọn vẹn nhất.

Nguyễn Chí Nam

Bạn đang đọc bài viết Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tin mới