Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ tư, 30/06/2021 06:51 (GMT+7)

Tại sao phải giảm chất thải?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc, OECD ủng hộ một hệ thống phân cấp trong quản lý chất thải, trong đó việc giảm thiểu chất thải được coi là ưu tiên hàng đầu.

Theo các chuyên gia, việc giảm chất thải phát sinh cho phép:

- Tiết kiệm các nguồn nguyên liệu có thể cạn kiệt.

- Hạn chế tác động của chất thải đối với môi trường.

- Bảo vệ sức khỏe của con người bằng cách tránh hấp thụ phải vi nhựa và hít thở các chất ô nhiễm độc hại từ các phương pháp xử lý hiện tại.

- Giảm ngân sách công dành cho quản lý chất thải (thu gom, vận chuyển, xử lý).

Tại sao phải giảm chất thải? - Ảnh 1
Chất thải phát sinh ở mọi giai đoạn của vòng đời một sản phẩm. (Nguồn: OECD, 2000)

Dấu chân sinh thái của việc giảm chất thải chiếm tỉ lệ nhỏ nhất trong tất cả các phương pháp quản lý chất thải hiện có. Đây là thực tế hiển nhiên khi việc đánh giá dấu chân sinh thái của các sản phẩm có tính đến các tác động của chúng trong suốt vòng đời sản phẩm: thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, thải loại, thu gom và xử lý.

1, Trong quá trình sản xuất có thể giảm thiểu chất thải (vận chuyển, sản xuất, phân phối). Thông qua việc ngăn chặn phát sinh chất thải tại nguồn, việc áp dụng thiết kế sinh thái cho phép kéo dài tuổi thọ của một đồ vật. Các chi phí môi trường và kinh tế liên quan đến việc sản xuất, phân phối và thương phẩm hóa những đồ vật mới do đó giảm dần (vật liệu, năng lượng, nhân công…)

2, Vào cuối vòng đời của một đồ vật, nếu phát sinh ít chất thải hơn sẽ giảm bớt áp lực lên hệ thống thu gom và xử lý chất thải, do đó giảm được chi phí dành cho các hoạt động này.

3, Đến khâu xử lý chất thải, việc giảm được lượng chất thải phát sinh sẽ bảo vệ được sức khỏe và môi trường mà chúng ta đang sống nhờ tránh các khí độc liên quan đến đốt rác và chôn lấp, chẳng hạn các chất ô nhiễm như fu-ran hoặc dioxin gây nguy hiểm cho hệ thống miễn dịch của chúng ta, gây ung thư và các vấn đề sinh sản. Ngoài ra, có thể tránh được phát thải khí nhà gây hiệu ứng nhà kính.

Phân cấp các phương pháp quản lý chất thải rắn

Nhiều tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc, OECD ủng hộ một hệ thống phân cấp trong quản lý chất thải, trong đó việc giảm thiểu chất thải được coi là ưu tiên hàng đầu. Phân cấp các phương pháp xử lý chất thải có thể được tóm tắt như sau:

Tại sao phải giảm chất thải? - Ảnh 2

Theo đó, hệ thống phân cấp này được tóm tắt trong khẩu hiệu 3R: Reduce, Reuse, Recycle, trong đó việc giảm thiểu nằm ở vị trí đầu tiên trước khi tái sử dụng và tái chế. Việc đốt rác để thu hồi năng lượng chỉ nên được sử dụng khi không thể thực hiện được 3R vì có tác động nguy hại đến sức khỏe và môi trường, đặc biệt là do quá trình đốt sản sinh ra các nguyên tố độc hại và chất ô nhiễm.

Ví dụ, các nhà máy đốt rác thường tốn kém và cần hàng chục năm hoạt động để có thể hoàn vốn đầu tư. Do đó, việc xây dựng các nhà máy đốt rác thường đi kèm với hợp đồng ký kết với chính quyền các thành phố để đảm bảo cung cấp đủ lượng chất thải. Điều này có thể đi ngược lại các mục tiêu của việc ngăn ngừa hoặc tái chế chất thải. Do đó, để thúc đẩy giảm thiểu và tái chế, Liên minh châu Âu đã áp dụng các chính sách không khuyến khích đầu tư vào công nghệ đốt rác.

Tại sao phải giảm chất thải? - Ảnh 3
Những khó khăn liên quan đến các phương pháp quản lý chất thải khác. (Nguồn: PRX-Vietnam, 2021)

Ấn phẩm "Giải pháp nào để giảm thiểu chất thải tại Việt Nam" được biên soạn trong khuôn khổ dự án COMPOSE, một sáng kiến chung giữa Đại sự quán Pháp tại Việt Nam và IRD, do Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp tài trợ. Với các đối tác bao gồm PRX-Vietnam, ICISE và IUCN, mục tiêu của dự án là cải thiện việc biên soạn và phổ biến kiến thức khoa học nhằm nâng cao nhận thức và thông tin về vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Nội dung sách là kết quả biên tập của Paris Region eXpertise Vietnam (PRX-Vietnam), văn phòng hợp tác của Vùng Île-de-France và UBND TP.Hà Nội. Cơ quan này được thành lập với mục đích thực hiện và phát triển các dự án giải quyết những vấn đề về đô thị. 

Một số tác giả tham gia thực hiện cuốn sách này: Marie Lan Nguyễn Leroy và Vũ Yên Ba, dưới sự chủ biên của Emmanuel Cerise.

PV

Bạn đang đọc bài viết Tại sao phải giảm chất thải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới