Tại TP.HCM: Sản xuất công nghiệp sôi động cuối năm
Thị trường lao động TP.HCM cũng được dự báo nhộn nhịp trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu cần đến hơn 70.000 chỗ làm việc. 9 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP.HCM ¬ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số IIP nhiều ngành đạt tăng khá nhanh
Theo thống kê cho thấy, nhiều ngành đạt chỉ số IIP tăng khá nhanh như sản xuất đồ uống tăng hơn 62%; sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa tăng gần 60%; sản xuất trang phục tăng gần 33%... đã tạo đà cho chiến lược tăng tốc sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế.
Không khí sản xuất tại Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đang rất hối hả để kịp đơn hàng trong nước và xuất khẩu. 9 tháng năm nay, doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch của cả năm - tăng trưởng 15%, nhờ thích ứng linh hoạt và tập trung vào các thị trường ít bị tác động và các khách hàng tiềm năng.
Đơn hàng đã lấp đầy hết năm với khách hàng chính từ thị trường châu Âu và Mỹ. Doanh nghiệp cho biết, bên cạnh việc nắm bắt cơ hội thì sự trợ lực từ các gói hỗ trợ lãi suất, gia hạn thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, các gói hỗ trợ an sinh của thành phố cũng là động lực để doanh nghiệp ổn định sản xuất mùa cuối năm.
Công ty Tân Quang Minh - một doanh nghiệp đồ uống - cũng đang tăng tốc sản xuất hàng Tết và có thêm thị trường xuất khẩu mới trong năm nay. Mức tăng trưởng dự kiến trên 10%.
Quý cuối cùng của năm, trước những thách thức về lạm phát tại các thị trường nhập khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… các doanh nghiệp đã linh hoạt tiếp cận một số thị trường nhỏ, tập trung vào thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng.
Cùng với sự sôi động của hoạt động sản xuất công nghiệp, thị trường lao động TP.HCM cũng được dự báo nhộn nhịp trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu cần đến hơn 70.000 chỗ làm việc.
Tư vấn việc làm cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Khảo sát nhu cầu nhân lực ở hơn 23.500 doanh nghiệp, tổng nhu cầu tuyển dụng là hơn 63.000 lao động cho thấy nhu cầu tuyển dụng hơn 8.000 lao động với mức lương trên 20 triệu đồng ở các vị trí giám đốc, bác sỹ nha khoa, kế toán trưởng.
Hơn 5.000 lao động với mức lương từ 15-20 triệu đồng ở các vị trí trưởng nhóm kinh doanh, trưởng bộ phận, nhân viên lập trình, thiết kế đồ họa; 17.000 lao động với mức lương 10-15 triệu đồng; 28.000 lao động với mức lương 5-10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM cho hay, dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường lao động khiến hơn 300.000 lao động về quê tránh dịch.
Hiện thành phố đang phục hồi sản xuất, kinh doanh, do vậy nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực; nhiều doanh nghiệp hiện nay thiếu lao động.
Thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lượt lao động (tăng 36,18% so với cùng kỳ năm 2021) tính từ đầu năm đến nay, số chỗ việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ (tăng 30,9% so với cùng kỳ). Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 96/120 phiên, sàn giao dịch việc làm; phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ. Qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 430.800 lượt người; giới thiệu việc làm cho hơn 127.800 lượt người; nhận việc là hơn 53.700 người.
Theo các chuyên gia lao động việc làm, thị trường lao động thành phố những tháng cuối năm 2022 sẽ sôi động hơn do các doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm…
Huyền Diệu