Chủ nhật, 24/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ hai, 30/05/2022 17:50 (GMT+7)

Tận dụng nguồn năng lượng ngoài khơi cho phát điện sạch ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể trở thành trung tâm điện gió lớn của thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, cần hoàn thiện khung thể chế chính sách, cần có quy hoạch tổng thể, tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tận dụng nguồn năng lượng này.

Tiềm năng lớn và phong phú nhất khu vực Đông Nam Á

Theo số liệu thống kê, hiện nay đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, đến năm 2020 với tổng công suất lên tới 733GW cao gần gấp hai lần so với năm năm 2011. Kể từ năm 2010, hơn một nửa tổng lượng điện gió mới đã được bổ sung bên ngoài các thị trường truyền thống là Châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu là do sự bùng nổ liên tục ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.

Theo Báo cáo về tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), các vùng biển có khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.

Tận dụng nguồn năng lượng ngoài khơi cho phát điện sạch ở Việt Nam - Ảnh 1
Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. (Ảnh internet)

Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu với tốc độ gió trung bình năm từ 8m-10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 600 W đến trên 700 W/m2. Tiềm năng năng lượng sóng vùng ven biển Việt Nam thông qua số liệu trích xuất tại 20 điểm ven bờ và các trạm hải văn cũng cho thấy vùng có năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận) và thấp hơn dải ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Hai khu vực ven bờ vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan có tiềm năng năng lượng sóng thấp nhất.

Về tiềm năng năng lượng sóng ở các vùng biển Việt Nam, kết quả tính toàn lượng sóng trung bình nhiều năm cho thấy khu vực có tiềm năng năng lượng sóng >2kW/m bao phủ toàn bộ vùng Biển Đông (ngoại trừ khu vực vịnh Thái Lan); khu vực có tiềm năng năng lượng >10kW/m trải rộng từ phía bắc đến giữa Biển Đông và kéo dài đến ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ… Trong mùa đông, gió mùa đông bắc tạo ra vùng năng lượng sóng khá mạnh trên vùng bắc và giữa Biển Đông, nhất là tháng 12 hằng năm với tiềm năng năng lượng lớn nhất với 70kW/m. Vùng biển miền trung từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận năng lượng sóng lớn nhất khoảng từ 50-60kW, với tần suất xuất hiện ngưỡng “tiềm năng trung bình” tới hơn 60% và ngưỡng “tiềm năng cao” tới 40%, do vậy đây sẽ là khoảng thời gian khai thác năng lượng sóng thuận lợi nhất trong năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia lĩnh vực năng lượng, môi trường đều cho rằng, khi triển khai các công trình khai thác năng lượng gió, sóng ngoài khơi cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và hoạt động kinh tế - xã hội như: ảnh hưởng của các công trình đến luồng hàng hải; ảnh hưởng các khu bảo tồn, cấm khai thác; các mỏ khai thác dầu khí; cáp ngầm biển… Do vậy, khi quy hoạch xây dựng cần lựa chọn khu vực khai thác để chỉ ảnh hưởng thấp nhất đến giao thông của các tàu thuyền trên biển.

Sớm hoàn thiện chính sách, tận dụng nguồn năng lượng trên biển

Điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.

Việt Nam nhận định phát triển điện gió ngoài khơi có ý nghĩa lớn vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Tận dụng nguồn năng lượng ngoài khơi cho phát điện sạch ở Việt Nam - Ảnh 2
Dự báo, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế. (Ảnh: Shutterstock)

Theo Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050. Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ có 7 GW công suất điện gió ngoài khơi dự kiến được phát triển trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. 

Trên thực tế, tại Việt Nam, tiềm năng gió ngoài khơi lớn hơn nhiều so với tiềm năng gió trên bờ do địa hình bờ biển dài và gió ngoài khơi thường có tốc độ cao, ổn định hơn. Hạ tầng cho điện gió ngoài khơi và lưới điện cũng ít bị hạn chế bởi vấn đề sử dụng đất. Hệ số công suất điện gió ở Việt Nam ước tính vào khoảng 36% cho khu vực trên bờ và 54% cho khu vực ngoài khơi. Có thể thấy, gió ngoài khơi có tốc độ ổn định hơn trong suốt cả năm so với gió trên đất liền.

Tại các tỉnh như Ninh Thuận lượng gió lớn kéo dài trong 10 tháng. Tuy nhiên do hạn chế đất liền nên lượng gió hạn hẹp vào buổi sáng không đủ để khiến các tuabin trong đất liền ở đây hoạt động hiệu quả, gần như lượng điện tới từ những nhà máy này chỉ hoạt động vào chiều gây ra không ít lãng phí về thời gian và tiền bạc.

TS Đỗ Minh Thắng, Trưởng bộ phận năng lượng, Công ty Meteodyn (Pháp) nhận định, trong xu thế giá xăng dầu ngày càng tăng và khả năng cạn kiệt trong vài chục năm tới. “Chúng ta chưa có sự lựa chọn nào khác để thay thế ngoài năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi cùng với năng lượng hạt nhân”.

Trong khi đó, thế giới đang bắt đầu giai đoạn phát triển rực rỡ điện gió. Điều này làm giá thành hạ nhanh khi các thiết bị được sản xuất hàng loạt và công suất vận hành thiết bị điện cận ngưỡng tối đa. Điện gió và năng lượng tái tạo nói chung hiện nay đang thu hút sự quan tâm lớn vì độ an toàn tài chính rất cao. Nhà đầu tư chỉ phải bỏ tiền đầu tư một lần (thêm ít chi phí vận hành bảo dưỡng) mà không phải lo giá thành nguyên liệu đầu vào thường bất định.

Với tiềm năng hiện có, dự tính, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới. Song để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần hoàn thiện khung thể chế chính sách quốc gia, cần có quy hoạch tổng thể, tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tận dụng nguồn năng lượng tái tạo trên biển này.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng: “Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa ở trong vùng này phải nói là gió có tiềm năng gió rất lớn và tốc độ gió cũng rất cao. Trong phát triển năng lượng nó phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ gió chúng ta có trên 3.200 km bờ biển, cho nên đây là một lợi thế phải nói là ít nước nào có được.

Chính phủ luôn cam kết chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường thì tôi nghĩ trong trường hợp đối với Việt Nam khi khai thác theo hướng điện gió là một bước rất có lợi và có tiềm năng. Đây sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam quan trọng nhất là vấn đề cơ chế chính sách đặc biệt là việc xây dựng hạ tầng điện trong đó vấn đề truyền tải là vấn đề rất là quan trọng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tận dụng nguồn năng lượng ngoài khơi cho phát điện sạch ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới