Chủ nhật, 24/11/2024 09:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/07/2021 06:00 (GMT+7)

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng nhiều khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 905/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Công điện nêu: Trong thời gian qua, do tình trạng nắng nóng kéo dài trên phạm vi cả nước, nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, mà trọng tâm tại khu vực miền Trung, như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... gây thiệt hại đáng kể về rừng, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, qua đó đã giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Theo dự báo, trong thời gian tới, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng gay gắt, hanh, khô kéo dài và có nhiều diễn biến bất thường, nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng là rất cao, gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của người dân.

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng - Ảnh 1
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. (Ảnh minh họa)

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm;

Cùng với đó kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn;

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết; chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng;

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn, hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi xảy ra cháy rừng;

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về hệ thống truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT kịp thời dự báo và cung cấp thông tin về thời tiết và các hiện tượng thời tiết cực đoan đến người dân và các cơ quan liên quan phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhiệt độ trung bình trong năm 2021 cao hơn trung bình nhiều năm từ 1°C đến 2°C, cụ thể: trong tháng 7 và tháng 8 tới có thể xảy ra từ 3 đến 4 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40°C, tình trạng khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.

Vừa qua, trong các ngày từ 28-29/6, tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xảy ra cháy rừng tại thị xã Hương Thủy. Do nắng nóng, gió thổi mạnh, đảo chiều liên tục, đám cháy liên tiếp bùng phát trở lại, tại khu vực cháy rừng có nhiều tiếng nổ nghi do nổ đạn, mìn còn sót lại sau chiến tranh và việc dập lửa chủ yếu là bằng phương pháp thủ công, nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới