Chủ nhật, 24/11/2024 07:41 (GMT+7)
Thứ ba, 21/03/2023 06:55 (GMT+7)

Tăng cường hiệu quả phòng ngừa thiên tai dựa trên hành động cảnh báo sớm

Theo dõi KTMT trên

Hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng ngừa thiên tai.

Nâng cao khả năng chống chịu thiên tai

Mới đây, Cục quản lý Đê điều và Phòng, chống Thiên tai, Văn phòng Đối tác Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai phối hợp với CARE Quốc tế tại Việt Nam, Plan International Việt Nam và World Vision Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị liên quan tới mô hình Hành động sớm dựa trên cảnh báo để phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Hành động sớm dựa trên cảnh báo mang tính toàn diện và đáp ứng giới nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng ngừa thiên tai” (FBEA-SEA) do Cơ quan Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự - Ủy ban châu Âu (ECHO) hỗ trợ tài chính và thực hiện bởi liên minh ba tổ chức và đối tác.

Được biết, các tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra những thiệt hại ngày càng tăng về con người, tài chính và môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực, đồng thời kìm hãm sự phát triển bền vững ở châu Á”.

Riêng năm 2021, các hiểm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã gây thiệt hại 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người ở châu Á. Lũ lụt là nguy hiểm nhất, chiếm 75% các sự kiện thiên tai trong khu vực. 

Tăng cường hiệu quả phòng ngừa thiên tai dựa trên hành động cảnh báo sớm - Ảnh 1
Hành động sớm dựa trên cảnh báo mang tính toàn diện và đáp ứng giới nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng ngừa thiên tai.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời, thay vì giải ngân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm ưu tiên giải ngân sớm cho hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên trên ngưỡng kích hoạt cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra. Việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo khi đó sẽ hiệu quả hơn nhiều cũng như cùng lúc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai.

“Hành động sớm là một khái niệm mới, nhưng về bản chất các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang làm cũng là hành động sớm. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao sự chủ động trong phòng ngừa ngay trước khi thiên tai xảy ra chưa được quan tâm đúng mức, khiến nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí và thời gian cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời”, bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Chánh văn phòng, đại diện Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai cho biết.

Theo đó, hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai, nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến nhóm người dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm.

53 quốc gia triển khai các chương trình hành động sớm

Theo Plan International, hiện trên thế giới đã có 53 quốc gia đã triển khai các chương trình hành động sớm dựa trên cảnh báo. Tại Việt Nam, phương pháp tiếp cận này còn tương đối mới và gần đây đã được CARE, Plan International và World Vision ứng dụng trong việc triển khai hoạt động của dự án FBEA-SEA với lũ lụt tại Quảng Trị và nắng nóng tại Bình Thuận.

Cùng với đó, trải qua 21 tháng thực hiện các hoạt động thực địa, dự án đã hỗ trợ 536 hộ gia đình tiền mặt cũng như các phương tiện để triển khai các hoạt động chuẩn bị, phòng tránh rủi ro thiên tai.

Đồng thời, 4 ban chỉ huy phòng tránh thiên tai và phòng tránh cứu nạn và đội xung kích tại 4 xã thụ hưởng dự án đã được hỗ trợ phương tiện để triển khai các hoạt động ứng phó, cứu hộ thực tế tại hiện trường...

Hệ thống cảnh báo sớm bao gồm các kế hoạch ứng phó đã được thống nhất giữa chính quyền, cộng đồng và người dân, để giảm thiểu các tác động dự kiến. Một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để liên tục cải thiện các biện pháp ứng phó trước các hiểm họa liên quan tới thời tiết, khí hậu, thủy văn và môi trường trong tương lai.

Trong thông điệp Ngày Khí tượng thế giới năm 2023, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cho biết “Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới giữa quốc gia hay chế độ chính trị”. Hợp tác quốc tế là hết sức cần thiết. Tư tưởng này là tư tưởng chủ đạo thúc đẩy cộng đồng khí tượng thủy văn trên thế giới kể từ năm 1873 đến nay và sẽ còn tiếp tục trong tương lai.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres đã công bố sáng kiến Hệ thống cảnh báo sớm tại Ngày Khí tượng thế giới năm 2022. Theo đó, hệ thống cảnh báo sớm sẽ là động lực định hướng thúc đẩy khả năng cảnh báo sớm nhằm đảm bảo trong vòng 5 năm tới, tất cả người dân trên thế giới đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường hiệu quả phòng ngừa thiên tai dựa trên hành động cảnh báo sớm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới