Chủ nhật, 24/11/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/05/2023 15:50 (GMT+7)

Tạo điều kiện phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch bền vững

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Nhiều tồn tại, hạn chế

Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Đây là những minh chứng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa. Từ ngày 15/3/2022, du lịch Hà Nội đã bắt đầu đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trưởng mạnh. Ước cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu Kế hoạch và bằng 21,4% lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019 (năm 2021 Thủ đô Hà Nội không đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng của dịch F-19); khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với Kế hoạch và 4,3 lần so với năm 2021, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với Kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.

Tạo điều kiện phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1
Với việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, đây là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế của Việt Nam.

Du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia và khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Bao gồm:

Thứ nhất, hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có những đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời điều chỉnh trước những biến động của du lịch thế giới và khu vực;

Thứ hai, sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng, chưa phát huy được các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên đặc sắc, thiếu sản phẩm du lịch mang thương hiệu của quốc gia, bản sắc của từng vùng, từng địa phương;

Thứ ba, các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; thiếu liên kết trong phát triển các sản phẩm du lịch của các địa phương;

Thứ tư, hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo,... còn thiếu, chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam;

Thứ năm, chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, về thời hạn tạm trú còn ngắn...;

Thứ sáu, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế;

Thứ bảy, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao,... còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao;

Thứ tám, chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác; chưa tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực đối với khách lẻ.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi

Theo Nghị quyết được phê duyệt, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Đánh giá, tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.

Từ đó, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử và thị thực truyền thống và kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, có biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu 102 triệu lượt khách du nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019. Trong khi đó, tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào 2019.

Để đạt được mục tiêu này, vẫn còn cả một chặng đường dài để nỗ lực, phấn đấu và khẳng định vị thế du lịch Việt trên thị trường quốc tế. Song với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm mới, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm tăng trưởng tích cực, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tạo điều kiện phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới