Chủ nhật, 24/11/2024 07:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/01/2020 10:59 (GMT+7)

Tết ở Trường Sa

Theo dõi KTMT trên

Trong hàng ngàn đảo lớn nhỏ của Tổ quốc Việt Nam, Trường Sa là quần đảo đón Tết Xuân Canh Tý năm 2020 sớm nhất cả nước. Mặc dù, giữa ngàn khơi ngàn trùng sóng gió, nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng, song cán bộ chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân chưa một phút ngơi tay súng. Niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết yên bình.

Chuyến tàu mùa xuân

Mùa xuân đối với cán bộ chiến sĩ Trường Sa được đánh dấu bằng những gói quà xuân của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc gửi tặng. Những phần quà có giá trị vật chất, có ý nghĩa về giá trị tinh thần là niềm động viên lớn của đất liền đối với các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.

Tết ở Trường Sa - Ảnh 1
Cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca.

Xuân Canh Tý năm 2020, Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Câu lạc bộ Tuổi Trẻ “Vì biển đảo quê hương” của Trung ương Đoàn tổ chức tặng quà cho quân dân Trường Sa. Đây không chỉ là chương trình có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm của đất liền với đảo xa khi Tết đến Xuân về mà còn có ý nghĩa lớn lao về chính trị, khẳng định “Đất liền luôn đồng hành cùng Trường Sa - Trường Sa vì Tổ quốc”.

Ngoài hàng quân nhu, có hơn 3.600 phần quà quà từ các tỉnh thành cả nước gửi tặng được chuyển xuống 4 chuyến tàu tại Quân cảng Vùng 4 Hải quân ngày 20/12. 3 tàu mang hơi ấm mùa xuân ra Trường Sa là HQ 561, KN 490, KN 491. Hải trình cùng ba chuyến tàu ấy có 130 nhà báo và hơn 200 cán bộ chiến sĩ thay quân đợt 1/2020.

Tết ở Trường Sa - Ảnh 2
Đem mùa xuân ra đảo Trường Sa.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Vượng, Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết: Năm nay, quà tặng bộ đội Trường Sa phong phú đa dạng hơn năm 2019. Ngoài chế độ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng; quân, dân Trường Sa còn nhận được nhiều phần quà của nhân dân cả nước gửi tặng như miến dong, mộc nhĩ, gạo nếp, lá gói bánh chưng, mứt, kẹo, chè, dụng cụ thể thao, các nhu yếu phẩm thiết thực khác. Với tinh thần “Tết hải đảo ấm lòng chiến sĩ”, 100% cán bộ chiến sĩ, quân và dân các đảo, điểm đảo trong toàn quần đảo Trường Sa có một cái Tết đầy đủ, đậm đà hương vị cổ truyền của dân tộc.

Gia đình có quân nhân đón Tết Canh Tý ngoài Trường Sa cũng nhận được quà tặng. “Đây là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân cả nước đối với quân nhân và gia đình quân nhân mỗi khi Tết đến Xuân về. Đoàn chúc Tết sẽ chia làm ba đoàn nhỏ. Trong thời gian 20 ngày, các tàu sẽ chuyển quà cho các đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân. Sẽ gặp sóng to gió lớn, song bằng mọi giá, quà xuân phải đến tận tay cán bộ chiến sĩ”, Chuẩn đô đốc Vượng nói.

Theo hải trình, ba tàu HQ 561, KN 490, KN 491 sẽ trao tặng quà cho 33 đảo, điểm đóng quân, ngư chài ở các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, các tàu trực tại các điểm đảo và tàu, ghe đánh cá của bà con ngư dân. Quân, dân Trường Sa và ngư chài ai cũng có quà xuân từ đất liền gửi tặng. Quà xuân sẽ giúp các chiến sĩ vững vàng tay súng; giúp ngư chài yên tâm bám biển cùng canh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong những ngày Tết đến Xuân về.

Xúc động chia xa

Sau khi chuyển hơn 3.600 phần hàng quân nhu, quân trang và quà Xuân Canh Tý của nhân dân cả nước gửi tặng, biên đội tàu đã rời quân cảng Lữ đoàn 146 ra khơi. Những giọt nước mắt chia xa của người vợ trẻ tiễn chồng đi đảo; tay đứa con bé bỏng bíu cổ cha trước giờ tàu rời bến; vòng tay siết chặt của sĩ quan trẻ tạm biệt người yêu; giọt nước mắt nghẹn ngào của người mẹ, người cha tiễn con trai lần đầu ra biển. Quân cảng Vùng 4 Hải quân xen lẫn niềm vui là niềm xúc động vô bờ giữa người đi và người ở lại.

Tết ở Trường Sa - Ảnh 3
Chuyển quà vào đảo Song Tử Tây.

Giữa hai miền cảm xúc của cuộc chia xa, chị Nguyễn Ngọc Huyền (Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Hòa) lần đầu tiễn chồng đi biển, mắt đỏ hoe không nói nên lời. Chị giấu giọt nước mắt sau vai áo chồng như giấu niềm cảm xúc. Còn Trung úy Đinh Sĩ Huynh ôm chặt vợ chẳng muốn rời xa. Trước sự chứng kiến của bao người, Huynh nói với người vợ trẻ: “Ngoài Trường Sa, đồng đội đang đợi anh. Năm sau anh sẽ về. Ở nhà em đừng lo gì cả, ngoài đó có anh em đồng đội rồi. Có tin vui báo anh nhé”. Chị Huyền nhìn sâu vào mắt chồng như thay lời tiễn biệt. Giây phút chia xa, chị không muốn khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn rơi.

Lần đầu tiên tiễn người con trai duy nhất đi Đảo Nam Yết, bà Trương Thị Hiền (Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Hòa) cứ thơ thẩn trên cầu cảng. Nỗi nhớ con của người mẹ già khiến khóe mắt cay cay. Nhưng bà cũng kiêu hãnh vui mừng vì con trai bà đã trưởng thành và xung phong ra Trường Sa canh đảo. “Thấy con làm đơn tình nguyện đi đảo, tôi mừng lắm. Tôi hiểu, ra Trường Sa sẽ thiếu thốn không như ở đất liền, nhưng đó là nơi để nó rèn luyện và trưởng thành phấn đấu. Tôi có mình nó là con trai, lần đầu nó xa nhà, nhớ lắm. Nhưng tôi cũng kiêu hãnh vì nó trưởng thành, góp sức để bảo vệ Tổ quốc”- bà Hiền chia sẻ. Nắm chặt tay mẹ, chàng binh nhì Trần Chí Tâm bảo: “Mẹ đừng lo gì, nhất định con sẽ hoàn thành nhiệm vụ trở về. Con sẽ phấn đấu trưởng thành. Nhất định con sẽ làm được”.

Tết ở Trường Sa - Ảnh 4
Chiến sĩ đảo chìm Đá Lớn nhận quà Tết của nhân dân gửi tặng.

Trên quân cảng Vùng 4 hải quân buổi tiễn chân, có hàng trăm bạn nữ sinh viên đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa. Tất cả đều mặc áo dài trắng tinh khôi. Người đến tiễn anh trai đi đảo, người tiễn bố ra Trường Sa, người tiễn người yêu lên đường ra biển. Nguyễn Ngọc Hoài Anh - cô sinh viên năm 3 của Trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa không giấu được niềm xúc động tiễn binh nhất Cao Bá Anh đi đảo Sinh Tồn. Giữa những tà áo trắng chen lẫn áo yếm hải âu, Hoài Anh trao cho người yêu bó hoa nhỏ mầu hồng đỏ rực. Cô xúc động bảo: “Anh đi nhé. Ra đến nơi nhớ nhắn tin cho em”. Nắm chặt tay người yêu, Cao Bá Anh xúc động: “Cuộc đời đẹp nhất của người lính biển là canh giữ chủ quyền. Anh đi rồi, em đừng buồn. Tổ quốc cần những người lính biển. Hẹn gặp em ngày hoàn thành nhiệm vụ”.

Quà đất liền ấm lòng lính đảo

Sau 3 ngày đêm hành trình trong sóng to, gió lớn; sáng 24/12/2019, tàu KN - 490 đã đến đảo Song Tử Tây - một trong 6 hòn đảo sầm uất được coi là “thị tứ lung linh giữa ngàn trùng sóng gió mỗi lúc đêm về”. Tàu KN - 490 kéo ba hồi còn rồi thả neo. Giọng thuyền trưởng từ cabin dõng dạc: “Kíp xuồng hạ xuồng số 1 và 2, chuyển quà vào đảo”. Ắt thì hàng chục thủy thủ mặc áo vằn từ các khoang tàu ào ra. Người bưng thùng bánh, người chuẩn bị dây mồi, người chuẩn bị cho kíp xuồng hạ xuống biển.

Từ vị trí tàu KN - 490 đến bờ đảo Song Tử Tây chừng 600m. Để vào đảo, quà tết được bọc trong bao nilon bảo quản chống ướt, chuyển xuống xuồng chuyển tải.

Tết ở Trường Sa - Ảnh 5
Quà xuân đến đảo Sơn Ca.

Trên cầu cảng đảo Song Tử Tây, chiếc xe đẩy và một tiểu đội bốc hàng chờ sẵn. Chỉ huy trưởng đảo hô to khi xuồng bắt đầu cập bến: “Xin chào đất liền nhé. Chào các đồng chí nhé”. Niềm xúc động ùa về trong tim tất cả chúng tôi. Chưa đầy 30 phút sau, hàng chục tấn hàng, quà được chuyển vào đảo. Xúc động chen lẫn niềm vui, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây nói: “Chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Đất liền hãy yên tâm, chúng tôi sẽ cống hiến và sẵn sàng quên mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Niềm vui của chúng tôi chỉ thực sự trọn vẹn khi nhân dân cả nước đón Tết Canh Tý yên bình”. Cũng thời điểm này, tàu HQ 561 và KN 491 chuyển hàng quà Xuân cho Cụm đảo Trường Sa lớn, Nam Yết và các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn, Đá Lát. Cũng như niềm vui chen lẫn xúc động ở đảo Song Tử Tây, cán bộ chiến sĩ đảo chìm Đá Lớn, Đá Lát xúc động khi nhận được quà xuân từ đất liền gửi tặng. Binh nhất - chiến sĩ pháo thủ Trần Văn Thương quê ở Hải Hậu, Nam Định chia sẻ: “Lần đầu em đón Tết ngoài đảo xa. Em nhớ nhà lắm. Nhưng ở đây có đồng đội, có đầy đủ hương vị ngày Tết cũng vơi đi phần nào. Em nghĩ cuộc đời người chiến sĩ hạnh phúc nhất là được canh trời, giữ biển. Càng ngày Tết, càng vững niềm tin và vững tay súng”.

Lê Khanh

Bạn đang đọc bài viết Tết ở Trường Sa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới