Chủ nhật, 24/11/2024 06:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/11/2020 09:40 (GMT+7)

Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom bị 'tố' gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Theo dõi KTMT trên

Chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt về thủ tục đất đai, chưa khắc phục các vi phạm về môi trường và cấp phép hoạt động nhưng Công ty Cổ phần Febecom vẫn vô tư vận hành gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Từ năm 2018 trở lại đây, người dân thuộc Tổ dân phố (TDP) số 7, phường Phú Khánh, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình liên tục bị “tra tấn” bởi hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Febecom (Công ty Febecom). Công ty này nằm trong KCN Phúc Khánh, TP. Thái Bình.

Hàng loạt kiến nghị, đơn thư được gửi tới cơ quan chức năng, nhiều báo cáo của UBND phường Phú Khánh lên cấp trên, hàng loạt buổi kiểm tra liên ngành được diễn ra. Những yêu cầu bắt buộc công ty phải khắc phục kéo dài từ ngày này qua ngày khác. 

Mặc dù đã có yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng Công ty Febecom không chấp hành, vẫn vô tư hoạt động, ngày đêm gây ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cho biết, khi hít phải khí thải từ hoạt động sản xuất của công ty này, nhiều người bị choáng, cảm giác khó thở và giống như người say rượu. Trẻ em thì ho khóc, chảy nước mắt, phát sinh bệnh về đường hô hấp… “Những hôm thời tiết hanh khô thì đỡ, những hôm nồm ẩm thì hơi thối của nhà máy không thoát đi được, khiến mọi người rất khó thở, trẻ con quấy khóc”, anh Sang, người dân TDP số 7 cho biết.

Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom bị 'tố' gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân - Ảnh 1
Công  ty Cổ phần Febecom hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Phú Khánh tỏ ra “ngán ngẩm” trước sự coi thường pháp luật của đơn vị này. Theo ông Tiến, Công ty Febecom để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài khoảng 3 năm nay. Với thẩm quyền của phường cũng chỉ biết lập biên bản, báo cáo lên cấp trên để xử lý, giải thích vận động người dân để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Tiến nói rằng, chính quyền địa phương luôn muốn tạo mọi điều kiện cho công ty hoạt động, nhưng phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý, phải được phê duyệt ĐTM, có biên pháp bảo vệ môi trường. “Từ năm 2018 đến nay, UBND phường đã 3 lần báo cáo bằng văn bản, còn báo qua đường dây nóng, phản ánh trực tiếp thì rất nhiều lần về việc sản xuất của công ty. Các cơ quan chức năng có xuống làm việc, công ty hứa dừng hoạt động, khắc phục hậu quả, nhưng sau đó họ lại tiếp tục hoạt động”, ông Tiến cho biết.

Ông Vũ Xuân Thái, cán bộ phụ trách mảng địa chính, môi trường UBND phường Phú Khánh cho biết, Công ty Febecom chưa được các cơ quan Nhà nước phê duyệt về thủ tục đất đai, chưa được phép hoạt động. Các sai phạm của công ty chưa được khắc phục nên chưa được cấp phép. ĐTM chưa được hoàn thiện, cấp phép.

Đây là thông tin khiến phóng viên hết sức “giật mình”. Bởi như ông Thái nói, một công ty chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động suốt 3 năm nay.

Khói thải xả thẳng ra môi trường khiến cây xanh chết. (Clip do người dân cung cấp).

Theo tìm hiểu của PV, ngày 14/6/2018, Công ty CP Febecom tại KCN Phúc Khánh, TP. Thái Bình được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn thủy hải sản; sản phẩm dạng bột, dạng mảnh, dạng viên công suất 140.000 tấn/năm và sản xuất thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm với công suất 18.000 tấn/năm.

Công ty Febecom là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – đơn vị đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Quang Minh bàn giao tài sản và đề xuất phương án xử lý nhà máy Thái Bình để giải quyết khoản nợ tại Techcombank theo hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê với tổng diện tích 41.567,6m2 tại Khu công nghiệp Phúc Khánh. Trong quá trình hoạt động, công ty thường xuyên có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, mặc dù đã nhiều lần được nhắc nhở, xử lý.

Theo tài liệu của UBND phường Phú Khánh cung cấp, Sở TN&MT tỉnh Thái Bình với đầy đủ chức năng, thẩm quyền đã tổ chức hàng loạt buổi kiểm tra, làm việc liên ngành kéo dài suốt từ năm 2018 cho đến nay.

Những buổi làm việc đều chỉ ra những sai phạm liên quan đến thủ tục đất đai, việc hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Nhưng các buổi làm việc, kiểm tra đều kết thúc bằng yêu cầu công ty phải chấp hành nghiêm những quy định về đất đai và môi trường, khẩn trương khắc phục vi phạm, tạm dừng hoạt động. Công ty này chỉ được hoạt động khi đã khắc phục xong những vi phạm còn tồn tại…

Kiểm tra nhiều là thế nhưng không hiệu quả. Người dân ngày đêm phải chịu đựng sự ô nhiễm, họ chỉ biết tập trung để phản đối mỗi khi công ty mở máy sản xuất. Việc làm này là khiên cưỡng, về lâu dài rất có thể trở thành tiền lệ xấu, nguy cơ gây mất an ninh trật tự. 

Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom bị 'tố' gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân - Ảnh 2
Hàng loạt biên bản kiểm tra, báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Thái Bình được lập về vi phạm của Công ty CP Febecom, nhưng không có tác dụng.

Ông Phạm Việt Phương, Tổ Trưởng tổ dân phố số 7, phường Phú Khánh, TP. Thái Bình thông tin, từ tháng 6/2018, sau khi nhà máy tái hoạt động thì người dân cũng mất ăn mất ngủ. Bất kể ngày đêm, mỗi lần các công nhân nhà máy khởi động lò sấy thì mùi hôi thối lại bốc nên nồng nặc. Không thể chịu được, nên người dân lại kéo nhau ra trước cổng nhà máy yêu cầu dừng sản xuất.

"Mỗi lần như thế, họ lại cho dừng máy sấy, nhưng hôm nay dừng thì mai lại làm lại. Sáng dừng thì tối lại làm lại. Chưa đầy 3 năm mà người dân kéo ra cổng nhà máy gần hai chục lần, sau mỗi lần như thế họ đều dừng hoạt động nhưng sau đó đâu lại vào đấy, không có bất cứ thay đổi nào”, ông Phương kể lại.

Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Công ty Cổ phần Febecom bị 'tố' gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới