Chủ nhật, 24/11/2024 04:55 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/10/2023 11:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai

Theo dõi KTMT trên

Rà soát quy định về thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp nhằm cương quyết bãi bỏ (hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền bãi bỏ) các thủ tục hành chính không đúng quy định gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhằm chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo văn bản 8755/BTNMT-ĐKDLTTĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các đơn vị chức năng rà soát quy định về thủ tục hành chính về đất đai ở các cấp nhằm cương quyết bãi bỏ (hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền bãi bỏ) các thủ tục hành chính không đúng quy định gây cản trở, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Thái Nguyên: Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai - Ảnh 1
Ngày 18/10/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 5257/CNN-UBND về việc chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các thủ tục về đất đai theo đúng quy định của pháp luật, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, cho từng cơ quan, tổ chức thực hiện; quán triệt sâu rộng về đạo đức công vụ tới từng tổ chức và cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đất đai.

Kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, trong đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật, lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt tại bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, đặc biệt quan tâm việc kiểm tra đột xuất, tập trung vào các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ theo quy định; trường hợp cần thiết thì luận chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, chia sẻ liên thông với các ngành, lĩnh vực trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch trên cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và cổng thông tin điện tử của ngành, của địa phương; chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tại đơn vị, địa phương theo các nội dung trên gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, thời gian trước ngày 28/10/2023.

Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nội dung trên gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh trước ngày 30/10/2023.

Thái Nguyên: Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai - Ảnh 2
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ.

Thực tế hiện nay, việc người dân ở một số địa phương đi thực hiện việc chuyển đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục. Đặc biệt, mất nhiều thời gian cho việc hoàn thiện các thủ tục ở cấp xã.

Doanh nghiệp kêu khó về thủ tục

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2022, có tới 50% doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng. Các thủ tục này thậm chí gây "ám ảnh" với nhiều doanh nghiệp.

Tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai còn tương đối phổ biến, trong đó có sự nghịch lý "2 chính sách và 2 giá". Nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận thì giá đền bù rất cao do doanh nghiệp thu lợi nhuận cao nhưng chỉ với những dự án quy mô nhỏ. Còn với những dự án quy mô lớn do Nhà nước thực hiện thu hồi thì có giá đền bù thấp hơn vì phải bảo đảm công bằng, hài hòa các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế-xã hội.

Thực tế, khung giá đất Nhà nước hiện hành chỉ bằng 20-30% giá thị trường, khung giá đất do tỉnh ban hành cũng chỉ bằng từ 30-60% giá thị trường tại địa phương. Hiện vấn đề định giá đất và chưa có cơ chế tính giá đất rõ ràng, minh bạch đang là một trong những nguyên nhân gây nên các vướng mắc, tranh chấp trong đền bù giải phóng mặt bằng là rất lớn.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới