Chủ nhật, 24/11/2024 09:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 14:48 (GMT+7)

Thái Nguyên: Hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án khai thác mỏ, thiệt hại 51 tỉ đồng

Theo dõi KTMT trên

Hàng loạt dự án khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt sai phạm với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 51 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2018. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt” hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này.

Hàng loạt sai phạm liên quan đến môi trường

Cụ thể, tại dự án Đầu tư Khai thác mỏ than Bá Sơn (tại xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng, huyện Phú Lương), Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác Than Thái Nguyên chưa thực hiện làm thủ tục để ký hợp đồng thuê đất đối với tổng diện tích 55,9 ha đang được giao quản lý. Công ty kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thiếu khối lượng than cám và đất làm gạch là 1.698,81 m3 với tổng số tiền còn phải nộp ngân sách là 71,5 triệu đồng.

Sản lượng khai thác là 28,936 tấn than nhưng chưa nộp tiền cấp quyền khai thác từ 1/1/2014 đến 30/6/2015 là 571 triệu đồng.

Tại dự án Đầu tư Khai thác mỏ than Cát Nê của Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc (viết tắt là Công ty Việt Bắc), hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản Dự án mỏ than Cát Nê là phù hợp, song việc điều chỉnh về chất lượng, hàm lượng than của mỏ từ loại than cám về loại than phụ phẩm để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi chưa có ý kiến của Bộ TN&MT là chưa phù hợp về thẩm quyền.

Việc Công ty Việt Bắc chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã hoạt động khai thác là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, công ty nợ đọng tiền ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường là gần 700 triệu đồng.

Thái Nguyên: Hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án khai thác mỏ, thiệt hại 51 tỉ đồng - Ảnh 1
Khai thác khoáng sản tại Thái Nguyên bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm. (Ảnh: Khoahocdoisong.vn)

Dự án Đầu tư Khai thác Mỏ than Suối Huyền (thuộc xã An Khánh và xã Cù Vân, huyện Đại Từ), từ năm 2013 đến nay, công ty dừng ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường nhưng không thực hiện các thủ tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án, phương án bổ sung để điều chỉnh lại khoản tiền ký quỹ của các lần tiếp theo. Công ty nợ đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tính đến 31/12/2018 là 6,8 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ tại dự án khai thác mỏ mangan - sắt Phú Tiến (tại xã Phú Tiến, huyện Định Hóa), việc Hợp tác xã Chiến Công chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường theo cam kết nhưng đã tiến hành hoạt động khai thác là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đơn giá thuê đất 5 năm theo hợp đồng đã hết hạn từ 2016 cũng chưa được điều chỉnh lại theo quy định.

Doanh nghiệp nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là gần 1 tỉ đồng; thuế tài nguyên là 461 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường là 160 triệu đồng; tiền ký quỹ phục hồi môi trường là 633 triệu đồng. Trách nhiệm thuộc Sở TN&MT, Cục thuế, Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2011- 2018 và Hợp tác xã Chiến Công.

Tương tự, tại dự án khai thác mỏ sắt Linh Nham (tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ), một số hạng mục, công trình bảo vệ môi trường xây dựng chưa đầy đủ. Doanh nghiệp nợ đọng thuế tài nguyên là gần 1,5 tỉ đồng. Phí bảo vệ môi trường là gần 245 triệu đồng.

Dự án khai thác mỏ chì kẽm Bó Tòong - Lũng Áp (tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai) dự án đã tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định giao đất, thuê đất. Công ty nợ đọng tổng số nợ gần 3,5 tỉ đồng.

Dự án mỏ Kẽm chì Cúc Đường (tại xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai), công ty chưa kê khai nộp ngân sách thuế và phí bảo vệ môi trường đối với sản lượng khai thác với số tiền là hơn 3 tỉ đồng.

Dự án Khai thác chế biến thiếc - Bismut Tây Núi Pháo (tại xã Hùng Sơn và Hà Thượng, huyện Đại Từ), kết quả thanh tra cho thấy, Công ty Cổ phần Kim Sơn bắt đầu khai thác ngày 1/7/2012 khi chưa được cơ quan thẩm quyền giao đất. Chênh lệch số tiền phí bảo vệ môi trường công ty còn phải nộp là hơn 1,7 tỉ đồng.

Tại dự án Mỏ Thiếc Đông Núi Pháo (tại xã Cù Vân, huyện Đại Từ), từ tháng 7/2015 đến nay, công ty chưa thực hiện làm các thủ tục để cấp có thẩm quyền giao và cho thuê đất; chưa thực hiện khai thác mỏ. Công ty nợ đọng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Dự án khai thác mỏ Đồng Khau Vàng (tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai), việc cấp phép khai thác mỏ không phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 trong đó có mỏ đồng Khau Vàng. Công ty cũng chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường năm 2014.

Trách nhiệm của Bộ TN&MT đến đâu?

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm tại một dự án tại khai khoáng ở huyện Đại Từ. Theo đó, việc xác định tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Quyết định số 500/QĐ-BTNMT ngày 4/3/2015 do ông Nguyễn Văn Thuấn ký thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ TN&MT mới tính phần khai thác lộ thiên 55.192 nghìn tấn, không tính phần trữ lượng khai thác bằng phương pháp hầm lò 28 triệu tấn trong khu vực khai thác 90 ha là chưa phù hợp, có nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước.

Không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, trong đó có phát triển xanh.

“Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững; và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: “Trách nhiệm thuộc Bộ TN&MT, ông Nguyễn Văn Thuấn - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan”.

Ngoài ra, riêng sản phẩm tinh quặng vàng chưa lắp đặt dây chuyền chế biến, đang kê khai tạm nộp phí bảo vệ môi trường của sản phẩm khoáng sản kim loại khác là vi phạm khoản 4 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010 về nguyên tắc hoạt động khoáng sản.

Tại Dự án khai thác mỏ vàng gốc, deluvi khu vực Đèo Cắng – Lũng Địa Chất (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai), công ty chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với diện tích 20,22 ha cho công trình phụ trợ, bãi thải; việc thay đổi thiết kế bản vẽ thi công chưa được cấp thẩm quyền thẩm định.

Dự án mỏ sét Cao lanh Phú Lạc thuộc xóm Phương Nam 3 (xã Phú Lạc, huyện Đại Từ), công ty chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng đã thực hiện khai thác khoáng sản. Dự án khai thác này đã hết hạn theo giấy phép khai thác từ 12/2015 nhưng công ty chưa lập đề án đóng của mỏ.

Riêng dự án Đầu tư Khai thác mỏ đá Cát Kết (xã Cù Vân, huyện Đại Từ), việc khai thác khi chưa thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường. Một số công trình tại dự án thực hiện không đúng với thiết kế cơ sở. Công ty Cổ phần Khai khoáng Miền núi nợ đọng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lên đến 26 tỉ đồng; chưa nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường năm 2016 và 2017 số tiền 209 triệu đồng.

Thái Nguyên: Hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án khai thác mỏ, thiệt hại 51 tỉ đồng - Ảnh 2
Trách nhiệm của Bộ TN&MT cũng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong hàng loạt sai phạm của dự án khai thác khoáng sản. Ảnh VOV.

Năm 2016 và năm 2017, công ty chưa thực hiện quy đổi từ m3 ra tấn để nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường với số tiền 52 triệu đồng.

Dự án tại mỏ Antimon Văn Lăng (xã Văn Lang, huyện Đồng Hỷ), tổng số tiền công ty còn phải nộp theo quy định gần 720 triệu đồng.

Tại dự án Đầu tư Khai thác mỏ antimon Pò Tèn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ), đã hoạt động khai thác khi chưa có quyết định giao đất, thuê đất. Hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thành xây dựng cơ bản theo thiết kế mỏ. Công ty nợ đọng tổng số tiền tạm tính hơn 2 tỉ đồng, bao gồm tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, những sai phạm tại các dự án khai thác khoáng sản nói trên tổng thiệt hại về kinh tế tạm tính hơn 51 tỉ đồng. Vì thế, Thanh tra Chính phủ giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, rà soát để thu hồi về ngân sách tỉnh Thái Nguyên; giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Cục Thuế Thái Nguyên rà roát các khoản thuế và phí về khai thác tài nguyên khoáng sản ở các dự án khác đảm bảo việc tính và thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo, kiểm tra, rà soát việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, các vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường trở thành nỗi bức xúc của dư luận. 

“Đối với các mỏ khai thác khoáng sản, việc vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường xảy ra rất nhiều. Đó có thể là việc xả thải khi khai thác, chưa đánh giá tác động môi trường, không có kế hoạch bảo vệ môi trường, thậm chí là thiếu quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường… Điều này cho thấy việc cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay có vấn đề”, Luật sư Nguyễn Huy An nhấn mạnh.

Theo Luật sư Nguyễn Huy An, để xảy ra tình trạng này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là việc chấp hành các quy định, Luật Bảo vệ Môi trường của các doanh nghiệp không tốt. Thậm chí có doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn làm hòng qua mắt cơ quan chức năng. Thứ hai, luật, các quy định đã có đầy đủ nhưng việc kiểm tra và xử lý của chính quyền địa phương có vấn đề, chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra rất rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT và các cá nhân liên quan. Dư luận đang chờ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên. 

Luật sư Huy An nói: “Lợi ích từ việc khai thác khoáng sản quá lớn nên nhiều doanh nghiệp dám đánh đổi để vi phạm. Họ chấp nhận bị xử phạt và nộp phạt. Đây là điều đáng lo ngại”.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án khai thác mỏ, thiệt hại 51 tỉ đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới