Thái Nguyên nhân rộng sản xuất chè hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP
Trong chiến lược phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên xác định chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích sản xuất chè hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP.
Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích trồng chè với khoảng 22,7 nghìn ha, sản lượng thu hoạch trên 244,5 nghìn tấn với các trọng điểm sản xuất chè sạch tại các huyện: Sông Công, Phú Lương, Tân Cương, Đại Từ, Cao Sơn, Đồng Hỷ... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, hầu hết diện tích chè của tỉnh đang được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (như: tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ...).
Đến năm 2021, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh đạt 3.091,4 ha (chiếm 15%); diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ 127 ha (đã có 5ha được cấp chứng nhận hữu cơ, 122 ha được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi sản xuất hữu cơ năm thứ 2 (chiếm 0,6%); diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 5.612 ha (chiếm 25%) đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt tăng rõ rệt ở những nơi sản xuất chè vụ Đông.
Sản lượng chè qua chế biến toàn tỉnh ước đạt 48.900 tấn, trong đó chủ yếu là sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Hiện nay, 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã ứng dụng cơ giới hóa các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè.
Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ đã có những định hướng trong quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện những định hướng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các dự án chuyển đổi nông nghiệp hữu cơ với quy mô lớn đối với cây chè trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. Năm 2020, Thái Nguyên thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-2:2017 với quy mô 60 ha tại các vùng chè trọng điểm của tỉnh (thành phố Thái Nguyên: 5ha, huyện Đồng Hỷ: 20ha, huyện Phú Lương: 20ha, huyện Đại Từ:15 ha).
Qua quá trình triển khai 2 năm, bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Cụ thể, về hiệu quả kinh tế, giá bán 1kg chè búp tươi sản xuất hữu cơ giao động từ 60.000-80.000 đồng/kg; cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15.000 - 20.000đ/kg. Ngoài ra, việc phòng trừ sâu bệnh hại đã được áp dụng quản lý theo IPM. Các loại thuốc sử dụng đều là thuốc thảo mộc sinh học được phép sử dụng trong sản xuất chè hữu cơ; do đó, lượng thuốc sử dụng trong sản xuất chè giảm đáng kể chỉ từ 1 đến 1,5 lần/lứa.
Nghị quyết về việc phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 xác định, chè là cây chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung sản xuất các sản phẩm chè theo hướng GAP, hữu cơ, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy các nguồn lực để tăng diện tích cây chè tại các huyện có lợi thế như Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên.
Đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.000 ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Đến năm 2030 diện tích chè đạt 24.000 ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.
Tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, có ưu thế vượt trội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống. Bên cạnh đó nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp mang tính đột phá đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Công nghệ chế biến là khâu đột phá, quyết định đến chất lượng sản phẩm, chính vì vậy để sản phẩm chè của Thái Nguyên vươn ra thị trường thế giới, cạnh tranh được với các sản phẩm chè khác. Do vậy, từ nay đến năm 2030 Thái Nguyên sẽ tập trung ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp chế biến chè theo hướng hữu cơ an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và thế giới.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái nguyên có 52 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 230 làng nghề, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chè, các đơn vị doanh nghiệp này đang giữ vai trò chủ đạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định đầu tư 12,2 tỷ đồng hỗ trợ cho người nông dân trồng chè. Cụ thể, đối với những hộ trồng chè lần đầu tiên đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận, với số tiền không quá 6 triệu đồng/ha, tổng diện tích hỗ trợ là 700 ha. Đối với hộ được cấp lại tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 505 kinh phí với số tiền không quá 2 triệu đồng/ha, diện tích hỗ trợ khoảng 138 ha.
Đồng thời, Thái Nguyên cũng khuyến khích nông dân trồng chè áp dụng cơ giới hóa trong chế biến chè và sẽ hỗ trợ mua 18 máy sao chè bằng gas, không quá 62 triệu đồng/máy; hỗ trợ 40% kinh phí đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm cho cây chè không quá 20 triệu đồng/ha đối với hộ có quy mô tối thiểu 2 ha. Tổng diện tích trồng chè được hưởng chính sách này là 200 ha.
Ghi nhật ký cho chè
Nhằm nâng cao các giá trị cho cây chè, bắt đầu từ năm 2012, 9 hộ gia đình hội viên nông dân ở xã Hóa Trung (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã thành lập Hợp tác xã Tuyết Hương để sản xuất và chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đã thực hiện sản xuất theo quy trình 4 không: Không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc kích thích và không sử dụng thuốc bảo quản sản phẩm.
Chị Trần Thị Tuyết – Giám đốc Hợp tác xã Tuyết Hương chia sẻ: Ban đầu nói đến sản xuất chè sạch tưởng chừng là dễ, nhưng khi thực hiện mới nảy sinh nhiều cái khó; trước đây do “Thói quen” sản xuất chè truyền thống mọi người đều làm theo kinh nghiệm, không có một quy trình chuẩn, do đó khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm cuối cùng. Vì vậy chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất, các thành viên đều phải “Ghi nhật ký cho chè” để tiện theo dõi.
Việc “Ghi nhật ký cho chè” đã được tất cả các thành viên Hợp tác xã Tuyết Hương thực hiện nghiêm túc: Từ khâu làm đất, ươm giống, bón phân đến thu hái, chế biến đã được ghi lại cẩn thận, tỷ mỉ trong một cuốn sổ. Vì vậy mà việc quản lý sản xuất chè đã được thuận lợi, dễ dàng, chất lượng sản phẩm chè làm ra cũng đã đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của VietGAP.
Sản xuất chè theo đúng quy trình VietGAP, các hộ gia đình đã tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ mà chỉ dùng phân hữu cơ vi sinh. Khi có sâu bệnh phá hoại thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Bên cạnh đó trong quá trình sản xuất và chế biến chè, Hợp tác xã Tuyết Hương đã chủ động tổ chức các khóa tập huấn, có mời chuyên gia, nhà khoa học… về để phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật mới về trồng và chế biến chè cho các thành viên.
Chị Trần Thị Tuyết cho biết thêm: Ban đầu chúng tôi cũng gặp khá khó khăn, nhưng ban lãnh đạo Hợp tác xã đã luôn bám sát từng thành viên, từng hộ gia đình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm. Chính vì vậy đến nay, Hợp tác xã đã xây dựng được 15ha chè đạt chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 10ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ.
Việc áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất chè theo hướng hữu cơ đã giúp cây chè phát triển khoẻ mạnh, ít sâu bệnh phá hoại. Không những sức khoẻ người trồng chè ngày một nâng cao mà người tiêu dùng cũng ngày càng yên tâm được sử dụng sản phẩm chuẩn sạch.
Từ khi chè được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP thì giá thành cũng cao hơn hẳn, nếu như trước đây, 1kg chè khô chỉ có giá 60.000 - 80.000 đồng, thì nay lên đến 300.000 - 500.000 đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần so với cách làm truyền thống.
Cùng với vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã Tuyết Hương đã đặc biệt chú trọng tới việc cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị tiên tiến như: Máy sao chè bằng ga của Đài Loan (Trung Quốc), máy đóng gói hút chân không...
Hải Anh