Chủ nhật, 24/11/2024 08:03 (GMT+7)
Thứ hai, 05/10/2020 13:59 (GMT+7)

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực phía Bắc

Theo dõi KTMT trên

Trong 5 năm qua, kinh tế Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp.

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực phía Bắc - Ảnh 1
Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Thái Nguyên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có 14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, nổi bật là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu... Qua đó, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc, khẳng định vị trí trung tâm vùng, xác lập vị thế mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kinh tế tăng trưởng cao, đột phá trong phát triển công nghiệp

Từng được coi là "cái nôi" của ngành luyện kim Việt Nam, tập trung nhiều các doanh nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo và gần đây lại được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn xây dựng tổ hợp công nghệ cao quy mô hàng đầu thế giới tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên), Thái Nguyên bước vào giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều động lực phát triển mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Thái Nguyên đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, trong 5 năm qua, kinh tế Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tăng sự đóng góp của khoa học công nghệ.

Qua thống kê sơ bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 của Thái Nguyên bình quân đạt 11,1%/năm. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, năm 2020 là 59%. Quy mô và năng lực sản xuất các ngành kinh tế đều tăng cao. Đến năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 120.830 tỷ đồng, tương đương 5,1 tỷ USD, gấp 1,9 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người (năm 2015) lên 90 triệu đồng/người (năm 2020), gấp 1,76 lần.

Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thái Nguyên được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Kinh tế tập thể được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Kinh tế trang trại phát triển nhanh theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh với trên 90 dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn, sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng. Riêng tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm, trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,5%/năm; công nghiệp địa phương tăng 15,4%/năm; công nghiệp Trung ương tăng 12,4%/năm. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 ước đạt 803 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 99% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp... Từ sự phát triển vượt bậc của kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng từ 7.485 tỉ đồng (năm 2015) lên hơn 15.500 tỉ đồng năm 2020, gấp 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Trong nhiệm kỳ qua, Thái Nguyên đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đạt khoảng 238 nghìn tỉ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt mục tiêu đề ra. Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào 5/6 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt với tỉ lệ lấp đầy đạt gần 60%; hoàn thành xây dựng điện lưới quốc gia cho 35 xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia, nâng tỉ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%; tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch hơn 97% và tỉ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%...

Cùng với những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế, các mục tiêu về phát triển văn hóa - xã hội của Thái Nguyên trong 5 năm qua cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân giảm 2,06%/năm, đến năm 2020 còn khoảng 3,1%. Hiện toàn tỉnh có 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỉ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ đạt trên 90%...

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực

Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực phía Bắc - Ảnh 2
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH UTI Vina, Khu công nghiệp Điềm Thụy (Thái Nguyên). (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Thái Nguyên với vị trí nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, là một trong những tỉnh trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế của tỉnh có quy mô tương đối lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án lớn là những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Thái Nguyên đặt mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nổi bật là việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...

Cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Thái Nguyên thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch, sản xuất hàng xuất khẩu.

Tỉnh tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử. Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản để nâng cao giá trị vừa tạo cho sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững...

Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết chuỗi và phát triển bền vững gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, thế mạnh của tỉnh, nâng cao chất lượng, giá trị cây chè và sản phẩm trà, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thái Nguyên quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm để bảo tồn nguồn tài nguyên du lịch và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, xác định sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh gồm: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc; du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vùng chè và văn hóa trà; du lịch tâm linh, lịch sử về nguồn từ quê hương của Lý Nam Đế đến ATK Định Hóa, kết nối với các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử văn hóa của các tỉnh, thành trong cả nước...

Một giai đoạn mới đã mở ra với nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức, rào cản đối với sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên như: cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng sự biến động nhanh chóng của nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; các vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để; hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ... Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng cũng như chính quyền ở Thái Nguyên phải chủ động, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn xã hội.

Hoàng Thảo Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực phía Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới