Chủ nhật, 24/11/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ hai, 29/08/2022 08:17 (GMT+7)

Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình

Theo dõi KTMT trên

Ngày 28/8, tại Phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ khởi công Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (9/1954), Bác Hồ viết: “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”. Đây là những tình cảm chan chứa tình yêu thương của Bác với đồng bào miền Nam sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ chí Minh đã chuyển đồng bào, con em đi cùng bộ đội, cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trong thời gian này, tỉnh Thanh Hóa được giao phó trọng trách to lớn không chỉ về vật chất mà còn là sự tin tưởng tuyệt đối tình cảm “ngọt bùi có nhau, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Từ ngày 15/10/1954 đến ngày 01/5/1955, tại xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (nay là phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thay mặt đồng bào Miền Bắc đón 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra Bắc.

Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình - Ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo TƯ và tỉnh Thanh Hóa thăm quan mô hình Con tàu tập kết.

Đồng bào Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn do cuộc kháng chiến kéo dài, nhưng với tấm lòng yêu thương, đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất, chu đáo và ân tình nhất để đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Thương binh, bệnh binh, người đau yếu được chăm sóc; cán bộ, chiến sĩ được đào tạo, bồi dưỡng tăng cường cho lực lượng vũ trang, bố trí công tác trên các lĩnh vực; một hệ thống trường học được thành lập để con em miền Nam có điều kiện học tập và rèn luyện. Thế hệ những “hạt giống đỏ” từng bước trưởng thành, có nhiều cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, những người con ưu tú của miền Nam tiếp tục góp phần xây dựng đất nước.

Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình - Ảnh 2
Các đại biểu ấn nút khởi công Dự án khu lưu niệm.

Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, thể theo nguyện vọng của các cựu cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP.Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Sau một thời gian chuẩn bị, Dự án Khu lưu niệm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 3428 ngày 14/10/2014; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tại Quyết định số 2207 ngày 17/6/2015 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 322 ngày 21/9/2020 của HĐND tỉnh Thanh Hóa. UBND TP.Sầm Sơn được giao làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư là 254.924.702.000 đồng (Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 76,5 tỷ, vốn ngân sách TP.Sầm Sơn và các nguồn huy động hợp pháp khác là 178,5 tỷ). Trong đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa bảo đảm cho công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật; phần kinh phí xây dựng toàn bộ tượng đài do Hội cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Quy mô đầu tư dự án gồm: Khu A, với diện tích 13.580 m2, gồm các hạng mục tượng đài Con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ. Khu B, có diện tích 1.985 m2, gồm 3 lán trại mô phỏng lại nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ học sinh miền Nam, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ. Ngoài ra còn có Con đường ký ức với chiều dài 1,115 km, tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665m; Công viên chuyên đề diện tích 23.864,8m2.

Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình - Ảnh 3
Đại diện BLL cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không giấu được những cảm xúc sâu sắc: “Những chuyến tàu đầu tiên được nhân dân Sầm Sơn đón tiếp, thắm tình cảm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Dù khó khăn vì điều kiện lịch sử nhưng Nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là Sầm Sơn đã nhường cơm sẻ áo, giành tất cả những điều kiện có thể để chăm sóc các gia đình miền Nam tập kết ra Bắc. Có những người khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, bỡ ngỡ trăm điều, nhưng với một tình cảm chân thành, người dân Sầm Sơn đã chăm sóc nơi ăn, chốn ở, thành lập hàng trăm lán trại để mọi người ăn ở. Đối với những người lớn tuổi, đều được nhân dân đưa về nhà chăm sóc, thậm chí đi mượn gạo để nấu cơm, đảm bảo không ốm đau, bệnh tật, chết chóc”.

Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình - Ảnh 4
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công.

Có thể nói, trong những năm tháng ấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã sát cánh cùng quân dân Thanh Hóa trong thời gian dài. Từ đây, những hạt giống đỏ ấy được phân bổ đi các tỉnh phía Bắc. Và chính lực lượng cán bộ này, sau khi trưởng thành đã quay về Nam chiến đấu,  góp phần giải phóng miền Nam thành công. Chính tình thương yêu, bao bọc của người xứ Thanh đã làm tăng ý chí, nghị lực cho những hạt giống đỏ ấy khi trở về quê hương. Nhiều đồng chí đã trưởng thành, có người là Anh hùng trong kháng chiến và hòa bình lập lại, có những người sau này là trụ cột nước nhà.

Với những tình cảm chân thành đó, trong nhiều năm qua, nguyện vọng của những người con tập kết ra Bắc năm xưa, đặc biệt là học sinh lớn tuổi, luôn trăn trở, muốn làm một điều gì đó, để kỷ niệm mảnh đất thiêng liêng này đã đón tiếp những cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết đầu tiên ở đây. Và đến hôm nay điều đó đã thành sự thật. Đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng và đã được Thường trực Ban bí thư quan tâm và chỉ đạo - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Như vậy sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, Hội đồng nghệ thuật tư vấn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ban Liên lạc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã tổ chức các phiên họp theo quy định để lựa chọn mô hình thiết kế tượng đài và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo đó, tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, phê duyệt đề cương tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp kết hợp với chiếu phim tư liệu và các công trình phụ trợ… đảm bảo để tiến hành các bước thủ tục khởi công Dự án.

Trên cơ sở đó, UBND TP.Sầm Sơn đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Mỹ thuật Viễn Đông và Công ty TNHH Xây dựng Đức Long để triển khai tổ chức thực hiện theo quy định, với yêu cầu đảm bảo ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa của công trình, tái hiện được hình ảnh của lịch sử dân tộc ta, nhất là những chuyến tàu đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: 68 năm trọn nghĩa tình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới