Chủ nhật, 24/11/2024 07:35 (GMT+7)
Chủ nhật, 11/12/2022 09:49 (GMT+7)

Thanh Hóa: Đâu là giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại buổi thảo luận ngày 10/11 về chuyên đề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022, đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt tỷ lệ cao (toàn tỉnh đạt 88,5%). Có 6 địa phương có tỷ lệ thu gom rác thải đạt từ 95% trở lên là TP.Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa…".

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác xử lý. Một số loại rác thải nguy hại đang được thu gom lẫn với rác thải sinh hoạt, không được xử lý theo đúng quy định, chỉ chôn lấp như rác thải thông thường. Đặc biệt, tại các địa điểm xử lý rác bằng hình thức chôn lấp đều quá tải, vượt sức chứa theo thiết kế nhiều lần, như bãi rác Đông Nam, huyện Đông Sơn; bãi rác Núi Voi, thị xã Bỉm Sơn. Trong khi đó tiến độ thực hiện đầu tư các nhà máy xử lý rác rất chậm (Đông Nam từ năm 2016 đến nay chưa hoàn thành; Núi Voi của Bỉm Sơn từ năm 2003 đến nay chưa khởi công xây dựng).

Thanh Hóa: Đâu là giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị nhiều nội dung giải quyết vấn đề xử lý chất thải rắn.

Đê giải quyết vấn đề này, đại biểu kiến nghị nhiều nội dung quan trọng như: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm định hướng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm tải lượng chất thải rắn phát sinh; Nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn để tái chế thành phân hữu cơ tại khu vực dân cư nông thôn và miền núi; tạm dừng mô hình phân loại rác thải tại khu vực đô thị cho đến khi có các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động để đảm bảo tính đồng bộ từ việc phân loại cho đến thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Cùng với đó cần tăng mức chi sự nghiệp môi trường cho các huyện, thị xã, thành phố; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh để đảm bảo chính sách đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư; xem xét điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, bổ sung chi phí quản lý các bãi rác theo hướng tính đủ chi phí, bảo đảm nguồn thu cho hoạt động của các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương đầu tư xây dựng nhà máy, sớm đưa vào hoạt động đúng theo tiến độ được phê duyệt; đóng cửa, dừng hoạt động đối với các bãi chôn lấp, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Bện cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị xã là việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là khó khăn không riêng gì đối với thị xã Nghi Sơn, mà là khó khăn chung cho tất cả các huyện đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Để khắc phục khó khăn trên, đại biểu đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước sinh hoạt. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh có chính sách thu hút đầu tư hệ thống cung cấp và nhà máy nước sinh hoạt cho khu vực phía Bắc thị xã để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Thanh Hóa: Đâu là giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, đoàn thị xã Nghi Sơn kiến nghị về vấn đề nước sạch trên địa bàn.

Giai đoạn 2018 – 2022, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch 31 khu xử lý chất thải rắn, gồm 3 khu xử lý liên huyện (Đông Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn) và 28 khu xử lý tại huyện ( 7 khu vực đồng bằng, 5 ven biển, 6 miền núi). Đến nay đã triển khai đầu tư 17 khu xử lý, gồm 2 khu xử lý liên huyện (thị xã Nghi Sơn đã đưa vào hoạt động, huyện Đông Sơn đã tiếp nhận rác và đang thi công xây dựng nhà máy xử lý rác), 14 khu xử lý ở các huyện đã được đầu tư từ trước năm 2018, 01 khu xử lý mới và đưa vào hoạt động ( xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc).

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Đâu là giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới