Thanh Hóa: Bao giờ mới xử lý được việc "xẻ thịt" Công viên Hội An?
Dư luận đang quan tâm, bao giờ TP.Thanh Hóa giải quyết vấn đề tồn đọng hàng chục năm qua khi công viên Hội An bị "xẻ thịt" bởi những dự án kinh doanh.
Tiếp tục nâng cấp công viên
Công viên Hội An được triển khai xây dựng từ năm 2003, với diện tích 24 ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 120 tỉ đồng. Đây là công viên lớn nhất Thanh Hóa đến thời điểm này, công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu không gian vui chơi, thể dục thể thao cho nhân dân TP.Thanh Hóa mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng.
Đặc biệt, công viên là biểu tượng của tình kết nghĩa giữa TP.Hội An (Quảng Nam với TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa). Chính quyền TP. Hội An đã tài trợ cho TP. Thanh Hóa hàng chục tỉ đồng để xây dựng các biểu trưng của Hội An như Chùa Cầu, dãy phố cổ Hội An, trụ gốm… nhân các sự kiện kỷ niệm giữa 2 thành phố.
Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, mới đây, UBND TP.Thanh Hóa đã quyết định đầu tư hơn 176 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo Công viên Hội An. Đây là một trong những công viên có quy mô lớn và nằm ở vị trí "đất vàng" giữa trung tâm TP.Thanh Hóa. Theo Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân TP.Thanh Hóa thông qua, ngân sách sẽ đầu tư cho dự án nhằm nâng cấp hệ thống cổng, tường rào, đường nội bộ, điện chiếu sáng, nhà vệ sinh, cây lọc nước, camera an ninh, thiết bị tập thể dục thể thao nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thể chất, vui chơi của người dân trên địa bàn.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Thanh Hóa, mục tiêu của dự án là phát huy tối đa giá trị văn hóa của công viên trung tâm lớn nhất TP.Thanh Hóa. Qua đó, tạo điểm nhấn về không gian cảnh quan, kết nối hài hòa với kiến trúc tổng thể đô thị, góp phần phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.
Tình trạng "xẻ thịt" công viên
Tổng đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thế nhưng suốt 10 năm qua, nhiều vị trí của công viên này đang bị "xẻ thịt". Không ít đơn vị, doanh nghiệp được cho thuê đất đã chiếm dụng thêm hàng ngàn m2 của công viên này để xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ kinh doanh, tổ chức sự kiện khiến không gian vui chơi của nhân dân bị thu hẹp.
Ví như, Công ty Dạ Lan, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2.330 m2 để kinh doanh, tổ chức sự kiện, tiệc cưới. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty này đã "chiếm dụng" luôn 9.382,9 m2 làm nơi kinh doanh cà phê, chỗ để xe. Trong đó, theo phê duyệt chi tiết công viên, diện tích đất trên là đất cây xanh, thảm cỏ, giao thông, đường dạo. Ngoài ra, Công ty Dạ Lan còn chiếm dụng 2.455 m2 đất công viên rồi cho xây dựng quây kín khu vực này để làm sân tập tennis. Một đơn vị khác cũng chiếm dụng tới 8.358 m2 đất công viên rồi cho xây dựng một loạt sân tập bóng đá.
Được biết, tháng 7/2022, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất các nội dung điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Công viên Hội An. Trong đó, cần thu hồi lại các diện tích đang sử dụng không đúng mục đích tại công viên.
Cuối năm 2022, UBND TP. Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo về việc giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Dạ Lan xin được tiếp tục sử dụng, quản lý Khu A, Công viên Hội An, TP. Thanh Hóa. Theo đó, đề nghị của Công ty Dạ Lan không được chấp thuận. Đồng thời, TP. Thanh Hóa yêu cầu công ty này khẩn trương sắp xếp, bàn giao lại hơn 9.000 m2 đất công viên cho UBND thành phố quản lý và sử dụng.
Hoàng Đức