Chủ nhật, 24/11/2024 14:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/10/2021 15:15 (GMT+7)

Thành phố sinh thái cần tiêu chí nào?

Theo dõi KTMT trên

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, bê tông hóa khiến môi trường sống của người dân ngày càng bị ảnh hưởng. Đã đến lúc các thành phố cần hướng đến phát triển xanh, bền vững, phù hợp với xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Kể từ lần đầu tiên được nhắc tới tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển năm 1987, các khái niệm đô thị học mới (New Urbanism), tăng trưởng thông minh (Smart Growth)… đã được xác định như những định nghĩa mới trong phát triển đô thị. Theo đó, vấn đề đô thị xanh được xem là trọng tâm và là mục tiêu phát triển trong quy hoạch của nhiều thành phố trên thế giới nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng vào nước ta.

Thành phố sinh thái cần tiêu chí nào? - Ảnh 1
Phát triển thành phố sinh thái là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. (Ảnh minh họa)

Vậy một thành phố sinh thái cần phải hội tụ đủ các điều kiện nào?

Thứ nhất, có mật độ cây xanh cao, có hệ thống rừng phòng hộ môi trường bao quanh thành phố hoặc ít nhất vào các hướng gió chính.

Thứ hai, cố gắng tạo và bảo tồn đa dạng sinh học để giữ cân bằng sinh thái; bảo đảm tiểu khí hậu và khí hậu vùng hài hoà, ít biến động.

Thứ ba, phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, nước thải chỉ được thải vào hệ thống cống rãnh chung hoặc sông rạch khi đã được xử lý đảm bảo mức an toàn, không bị ngập lụt trong thành phố.

Thứ tư, hệ thống giao thông đảm bảo tiêu chuẩn đường và mật độ đường trên dân số. Các phương tiện giao thông không gây tiếng ồn và xả khí thải quá mức cho phép.

Thứ năm, bảo vệ môi trường đất không bị ô nhiễm và thoái hoá. Sử dụng quỹ đất thành phố một cách hợp lý để vừa có đất dành cho khu dân cư, công viên, vừa có đất cho rừng phòng hộ môi trường.

Thứ sáu, đảm bảo mật độ dân số hợp lý, phù hợp với năng lực tải của đô thị đó. Cùng với đó, diện tích mặt nước (ao, hồ,...) cân đối và đáp ứng đủ với diện tích dân số thành phố để tạo cảnh quan môi trường và khí hậu mát mẻ.

Thứ bảy, môi trường không khí không vượt quá mức ô nhiễm cho phép. Yếu tố sinh thái không chỉ thể hiện qua lợi thế sông nước tự nhiên sẵn có mà còn được phát huy tối ưu qua loạt tiện ích xanh phân bố đều khắp từng phân khu của dự án như công viên, đường dạo ven sông, thảm cỏ yoga, khu picnic. Đặc biệt, phải hướng đến không gian trong lành gần gũi thiên nhiên, đồng thời hỗ trợ cư dân trong việc tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe.

Thứ tám, có bãi rác hợp vệ sinh, công nghệ xử lý rác khoa học. Ngoài ra, hệ thống nhà vệ sinh công cộng đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan, tiện lợi. 

Trao đổi về vấn đề này, theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hà Nội là một thành phố hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Do lợi thế tự nhiên, với hệ thống sông hồ dày đặc, những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh về thổ nhưỡng và thủy hệ, có khả năng tự cung tự cấp, tạo vòng tuần hoàn khép kín về tiêu dùng và tái tạo năng lượng và dưỡng chất từ rác thải, nước thải đô thị.

“Làm quy hoạch tốt là phải cân bằng đất và nước, có như vậy mới bảo đảm môi trường sinh thái phát triển để có được đô thị xanh, kinh tế xanh. Do đó, bài toán quy hoạch phải được tích hợp đa ngành, đặt ra mục tiêu con người làm trọng tâm, cam kết của nhà quản lý là quan trọng, lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng.

Quỹ đất đô thị phải được quy hoạch sử dụng hợp lý, phát triển bất động sản phải song hành với phát triển nông nghiệp sinh thái, nhằm tuần hoàn rác thải và nước thải đô thị. Bản chất của phát triển đô thị xanh và bền vững là phải cân bằng được môi sinh, cân bằng về lợi ích, cân bằng giữa tự nhiên và phúc lợi xã hội” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thành phố sinh thái cần tiêu chí nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới