Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/04/2022 12:00 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra toàn diện các dự án điện gió, điện mặt trời trên cả nước

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo.

Thực hiện Quyết định 55/ QĐ-TTCP của Tổng thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, Pháp Luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đoàn thanh tra của thanh tra Chính phủ vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm cả các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển nhượng hoặc thay đổi chủ đầu tư.

Theo đó, Đoàn thanh tra đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổng hợp báo cáo và cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên địa bàn của tỉnh, thành phố.

Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra toàn diện các dự án điện gió, điện mặt trời trên cả nước - Ảnh 1
Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra toàn diện các dự án điện gió, điện mặt trời trên cả nước. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, các địa phương tổng hợp, báo cáo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia về điện mặt trời giai đoạn từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn từ năm 2016 đến 2021 đối với các dự án điện mặt trời, điện gió theo quyết định hoặc văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ, gồm: kết quả thực hiện đầu tư so với quy hoạch; những tồn tại, hạn chế, bất cập, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị... (đối với các dự án không có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép đầu tư thì ghi chú cụ thể). Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, thành phố đối với dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đối với Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh về điện mặt trời, Đoàn thanh tra đề nghị báo cáo rõ, cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Việc đấu nối, việc chưa có lưới truyền tải để giải tỏa công suất, việc quá tải, hao hụt nhiều trong khâu truyền tải,… việc chưa ban hành cơ chế giá đối với dự án hoặc một phần dự án phát điện thương mại đối với điện mặt trời sau ngày 31/12/2020 (đối với điện gió sau ngày 31/10/2021)...; đề xuất, kiến nghị của tỉnh, thành phố với cấp có thẩm quyền để giải quyết, trong đó có đề xuất, kiến nghị đối với dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đoàn thanh tra cũng đề nghị tổng hợp (thống kê chi tiết từng dự án kèm theo) về tình hình, kết quả thực hiện các dự án, qua đó đánh giá khái quát hiệu quả đầu tư dự án. Đặc biệt cần thống kê cụ thể các dự án điện mặt trời và các dự án điện gió đã chuyển nhượng dự án hoặc thay đổi chủ đầu tư theo biểu thống kê do UBND tỉnh, thành phố xây dựng. Trong đó thể hiện rõ các thông tin: tên dự án, quyết định phê duyệt dự án, công suất theo quy hoạch, công suất thực tế, tên chủ đầu tư theo quyết định phê duyệt, tên chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án, lý do chuyển nhượng,... năng lực của các chủ đầu tư.

Trước đó, Bộ Công Thương đã  ban hành kết luận kiểm tra các dự án điện mặt trời ngày 21/3, đến ngày 1/4. Bộ Công Thương cũng tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng thẩm quyền.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công thư số 96/LĐCP ngày 28/3/2022, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương kiểm tra, rà soát về phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà theo đúng Quyết định số 13/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần xem xét xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tổng hợp kết quả thực hiện gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Liên quan đến hàng loạt sai phạm này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, vừa qua nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực điện mặt trời, cả mặt đất lẫn mái nhà. Do phát triển trong thời gian ngắn nhưng đã có sự phát triển "nóng" nên nảy sinh một số vướng mắc, xuất hiện quá tải cục bộ ở một số địa phương.

Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông Hùng cho biết dẫn Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Thông tư 18 của Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai điện mặt trời mái nhà, nêu rõ những dự án này có công suất dưới 1 MW, đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV và các tấm pin phải lắp trên mái các công trình xây dựng.

Về thỏa thuận đấu nối, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ căn cứ vào các quy định để thỏa thuận, đấu nối với các chủ đầu tư, để được đấu nối vào lưới điện. Tuy nhiên, theo quy định thì những dự án dưới 1 MW thì Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch, cũng như không cần phải cấp giấy phép hoạt động điện lực.

“Theo Quyết định 13, Bộ Công thương có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để triển khai, thực hiện các dự án cũng như kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh khắc phục những sai phạm. Tuy nhiên, thời gian thực hiện rất ngắn nên Bộ chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ và có những chấn chỉnh kịp thời, cũng như chưa sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm khi xây dựng chính sách làm thế nào, đảm bảo cho đúng quy hoạch để quản lý, kiểm soát trong các dự án việc vượt công suất”, ông Hùng cho biết.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra toàn diện các dự án điện gió, điện mặt trời trên cả nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới