Chủ nhật, 24/11/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ tư, 05/01/2022 17:00 (GMT+7)

'Tháo nút thắt' cho kinh tế Việt Nam 2022

Theo dõi KTMT trên

Nhân loại đã bước vào năm 2022 với nhiều hy vọng. Việt Nam cũng đang chuẩn bị những giải pháp tốt nhất có thể để bước vào năm 2022 với mục tiêu GDP tăng trưởng 6-6,5%, giúp nền kinh tế khởi sắc sau đại dịch.

Tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu

Năm 2022, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhấn mạnh, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực lớn của nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) vẫn là đòn bẩy, cú hích đáng kể cho thương mại hàng hóa Việt Nam với các thị trường hàng đầu thế giới.

Dự báo năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng trưởng từ 13-15%.

'Tháo nút thắt' cho kinh tế Việt Nam 2022 - Ảnh 1
Việt Nam tận dụng cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, bàn về tốc độ tăng trưởng mục tiêu 6-6,5% năm 2022, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Jacques Morisset tin Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng 2 điều kiện: Kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam còn còn dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công đã được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn.

Nhờ lượng dự trữ tiền mặt ở mức cao, Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách bằng cách khởi động lại các chương trình đầu tư công như đã triển khai trong năm 2020 và tăng hỗ trợ cho những người dân bị mất việc làm, giảm thu nhập hay đã hết tiết kiệm do đại dịch.

Nới lỏng các chính sách tài khóa, thực hiện giảm thuế và giảm phần đóng góp của người dân để thúc đẩy chi tiêu cũng có thể được cân nhắc.

Việc Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm tới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh ngay từ quý đầu tiên của năm 2022 với 4 động lực tăng trưởng chính đối với GDP 2022 là nội địa phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng tích cực, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ.

Gần 350 nghìn tỷ đồng để phục hồi kinh tế - xã hội

Năm 2022, Chính phủ sẽ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KT-XH trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2022, một trong những nội dung quan trọng Quốc hội sẽ xem xét thông qua là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng quy mô gói hỗ trợ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gần 350 nghìn tỷ đồng và dự kiến được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.

Chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60 nghìn tỷ đồng); Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110 nghìn tỷ đồng); Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

'Tháo nút thắt' cho kinh tế Việt Nam 2022 - Ảnh 2
Hồ trợ phục hồi doanh nghiệp kịp thời. (Ảnh minh họa)

Về tiền tệ, Chính phủ nhấn mạnh việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống; Điều tiết thanh khoản phù hợp để tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất; Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Để có nguồn lực thực hiện, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm; Nợ công đến cuối năm 2025 sẽ khoảng 49-50% GDP, nợ Chính phủ 45-46% GDP và chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước có thể có năm vượt 25%. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát cũng có thể tăng lên.

Với yêu cầu huy động nguồn lực lớn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự báo tác động đối với các chỉ tiêu bội chi, an toàn nợ công nêu trên, Chính phủ nêu rõ trong tổ chức thực hiện cần thận trọng, có phương án, giải pháp điều hành kịp thời, linh hoạt, phù hợp trong các tình huống xấu nhất để hạn chế tác động tiêu cực đến các cân đối vĩ mô, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình, phục hồi nền kinh tế trong thời gian ngắn nhất, tạo nền tảng để phát triển trong tương lai.

“Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Với chủ đề trong năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển kinh tế”, Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Theo đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh xuất khẩu; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Tháo nút thắt' cho kinh tế Việt Nam 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới