Thắt chặt quy định nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh.
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cho phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Đối với Việt Nam, ở trình độ phát triển hiện tại, vẫn cần phế liệu nhựa, giấy để tái chế, phục vụ hoạt động sản xuất (và cũng là cách để tái sử dụng nguồn nguyên liệu này). Tuy vậy, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu tràn lan chất thải vào Việt Nam, tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Để siết chặt việc việc nhập khẩu phế liệu, Việt Nam cũng đã sửa đổi, ban hành nhiều văn bản luật. Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó quy định ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Cụ thể, ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh, hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng, hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng dư thừa xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và kim loại; một số loại phế liệu như nhựa và giấy chưa phân loại, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường… Thực tế đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nữa trong quản lý nhập khẩu phế liệu, nhất là sớm loại bỏ những loại có nguy cơ cao ra ngoài danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường, tác động không tốt đến sức khỏe người dân.
Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: Trong những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa… đang có xu hướng tăng mạnh.
Nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu phế liệu để phục vụ sản xuất. Mặt khác, hiện nay, một số quốc gia (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới) đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất, dẫn đến thời gian gần đây, một lượng lớn phế liệu, chất thải rắn tìm cách nhập về các nước Ðông – Nam Á (vẫn đang cho phép nhập khẩu phế liệu) như: Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái-lan.
Tại thời điểm này, lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng lên tới hơn 5.000 công-ten-nơ. Việc tồn đọng các công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Nguyễn Linh (T/h)