Chủ nhật, 24/11/2024 11:01 (GMT+7)
Thứ năm, 14/11/2019 11:54 (GMT+7)

Thấy gì từ vụ PGĐ TPBank chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm của khách?

Theo dõi KTMT trên

Việc TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động, trong đó hệ thống quản trị rủi ro yếu kém, vi phạm cho vay... đã khiến ngân hàng bị thiệt hại mất vốn nghìn tỉ. Đáng nói, nhiều cán bộ ngân hàng đã lợi dụng kẽ hở hệ thống để chiếm đoạt tiền gửi, vốn giá trị lớn.

Thấy gì từ vụ PGĐ TPBank chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm của khách? - Ảnh 1
Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án PGĐ chi nhánh TPBank lợi dụng chức vụ, tất toán sổ tiết kiệm của khách. Ảnh minh hoạ

Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Hoài Thương (tức Nguyễn Thu Trang, sinh năm 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 280, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 1999 (nay là Điều 355, khoản 4 – Bộ luật Hình sự năm 2015).

Bà Thương từng giữ chức Phó Giám đốc Chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank, mã: TPB), chi nhánh Phạm Hùng.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội cũng ra lệnh bắt tạm giam bị can Thương trong thời hạn 4 tháng để tiến hành điều tra các vi phạm. Các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn.

Trước đó, theo đơn tố giác tội phạm của Ngân hàng TPBank, các tài liệu do cơ quan điều tra thu thập được, bị can Nguyễn Hoài Thương bị phát hiện có hành vi lợi dụng chức vụ là Phó Giám đốc Ngân hàng TPBank - Chi nhánh Phạm Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới làm thủ tục để Thương phê duyệt, tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng. Từ đó, Thương đã chiếm đoạt số tiền lớn của Ngân hàng TPBank.

Phản hồi thông tin trên truyền thông, đại diện TPBank cho biết: “Sự việc này đã được chính TPBank phát hiện trong quá trình rà soát quy trình, hồ sơ nội bộ theo định kỳ để đảm bảo an toàn cho ngân hàng và tài sản của khách hàng. Khi phát hiện ra vụ việc của bà Thương, chúng tôi đã chủ động đề nghị Cơ quan CSĐT để phối hợp xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Phía TPbank cũng khẳng định bà Thương sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm của mình. Các khách hàng có liên quan trong vụ việc này sẽ được TPBank đảm bảo quyền lợi, đều đã được hoàn trả đầy đủ gốc và lãi các sổ tiết kiệm đã gửi đúng theo quy định.

Đây có lẽ là trường hợp hiếm hoi ngân hàng phát hiện và chủ động chuyển cơ quan điều tra để xử lý cán bộ của mình vi phạm, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Bởi thực tế trong nhiều vụ vi phạm xảy ra, các ngân hàng thường lựa chọn xử lý nội bội như buộc thôi việc, yêu cầu hoàn trả tiền, khắc phục thiệt hại... để tránh ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngân hàng cũng như tránh rắc rối phát sinh. Trừ trường hợp cán bộ ngân hàng chây ỳ, chống đối hay không hoàn trả tiền, thậm chí bỏ trốn như vụ việc Eximbank bị cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 245 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng... hay vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng, dấu hiệu hình sự.

Đối với TPBank, nhà băng này liên tiếp dính tới các vụ án sai phạm nghiêm trọng gây chấn động ngân hàng như đại án siêu lừa Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank) chiếm đoạt tiền của hàng chục ngân hàng, đại án Phạm Công Danh vi phạm rút ruột tiền của ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB).

Trong vụ án siêu lừa Huyền Như xảy ra tại Vietinbank, năm 2011, bị can Huỳnh Thị Huyền Như (từng là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ ngân hàng Vietinbank) đã thoả thuận với bà Lê Thị Thanh Phương (SN 1978) là Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank về việc ngân hàng này gửi tiền vào Vietinbank - CN TP HCM. Cụ thể, tháng 8/2011, TPBank đã ký 11 hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán hợp đồng quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP Chứng khoán Phương Đông và Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc là công ty con của Công ty Quỹ Lộc Việt), tổng trị giá là 1.860 tỉ đồng. Bản chất của hợp đồng này là căn cứ để TPBank chuyền tiền cho các công ty đứng tên để gửi tiền vào Vietinbank.

Tại toà án, Huyền Như khai đã thỏa thuận với bà Phương trả lãi suất tiền gửi theo hợp đồng là 14%/năm, kèm khoản tiền chênh lệch ngoài hợp đồng từ 5% đến 5,5%/năm. Huyền Như đã chi khoản "tiền hoa hồng môi giới" cho Giám đốc Khối nguồn vốn của TPBank là 2% trong tổng số tiền 1.860 tỉ đồng, tương đương 37,2 tỉ đồng. Ngoài ra, Như đã chuyển khoản cho em trai và chồng của bà Phương số tiền 6,7 tỉ đồng... Hậu quả là, Huyền Như đã tự thao tác trên hệ thống của Vietinbank tự trích chuyển 380 tỉ đồng từ tài khoản thanh toán của công ty Phương Đông sang 3 công ty khác để trả nợ cá nhân, chiếm đoạt hết...

Trong khi đó, ở đại án xảy ra tại VNCB, tháng 5/2013 ông Phạm Công Danh (Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) do cần tiền chăm sóc khách hàng và tăng vốn đầu tư nên đã chỉ đạo nhân viên mượn pháp nhân của 11 công ty công ty để vay tiền của Ngân hàng TPBank.

Kết luận bổ sung của Ngân hàng Nhà nước về sai phạm của TP.Bank cho hay, TPBank quyết định cho vay hơn 1.700 tỉ đồng nhưng không thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ khi không có đủ hồ sơ, tài liệu để xem xét, đánh giá năng lực tài chính xác định tính khả thi, hiệu quả các phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của 11 công ty.

Tương tự, TPBank nhận bảo lãnh khi không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh và cho vay cũng như bên bảo lãnh (VNCB) chưa thực hiện bảo đảm tiền vay.

Chưa hết, TPBank cũng không kiểm tra sau khi cho vay hoặc lập báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường...

Việc TPBank liên tiếp dính đến những vụ án chấn động trong giới ngân hàng đã khiến nhiều khách hàng không khỏi hoang mang lo lắng, đặt câu hỏi liệu gửi tiền vào ngân hàng này có an toàn?

Bên cạnh đó, những vụ đại án rút ruột ngân hàng cũng cho thấy bài học cảnh giác với khách hàng không nên tham lãi suất cao, thoả thuận "đi đêm" lãi suất ngoài với cán bộ ngân hàng... để tránh bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền. Đặc biệt, người dân cũng nâng cao nhận thức, tìm hiểu, lựa chọn những ngân hàng lớn, có uy tín để giao dịch gửi tiền, vay vốn, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trả lời báo Đầu tư, luật sư Vy Văn Minh (Ðoàn Luật sư TP. Hà Nội), khách hàng gửi tiền vào ngân hàng nếu đã hoàn tất mọi thủ tục theo đúng quy định của pháp luật và của ngân hàng thì việc gửi đã xong. Giữa ngân hàng và khách hàng đã xác lập xong với nhau quan hệ pháp luật gửi tiền.

Ngân hàng phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật. Ngân hàng chỉ được phép giải ngân (chi trả, thanh toán hay chuyển số tiền này của khách hàng cho ai đó) sau khi có lệnh chi hợp pháp từ khách hàng. Số tiền gửi của khách hàng bị thất thoát (ra khỏi ngân hàng) vì bất kể lý do gì khi không có lệnh chi hợp pháp của khách hàng thì đều do lỗi của ngân hàng.

Ngân hàng phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người gửi tiền. Bởi lẽ, trong quan hệ này, khách hàng là người bị thiệt hại, còn ngân hàng là người gây thiệt hại (do có lỗi trong quản lý tiền của khách hàng).

Ngọc Châu

Bạn đang đọc bài viết Thấy gì từ vụ PGĐ TPBank chiếm đoạt 5 sổ tiết kiệm của khách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới