Thay vì hoãn, đề xuất miễn đóng phí công đoàn năm 2020
Các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị được miễn hoàn toàn phí công đoàn năm 2020, đồng thời chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc.
Thay vì giãn thời gian nộp phí công đoàn 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị được miễn hoàn toàn loại phí này. (Ảnh minh họa) |
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa gửi kiến nghị đến Bộ Kế hoạch và đầu tư về đề xuất bổ sung một số nội dung trong dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên cơ sở nhất trí của các hiệp hội Dệt may, Logistics, Gỗ và lâm sản, Bông sợi, Da giày và túi xách…
Trong đó, điều đầu tiên ban IV kiến nghị là miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020 cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng chiếm tới 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Cụ thể, theo chỉ thị 11 của Thủ tướng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc.
Tuy nhiên, khảo sát của Ban IV cho thấy rất ít doanh nghiệp nằm trong diện được lùi đóng phí công đoàn, do không đạt tiêu chí có một nửa lao động đang đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc. Chưa kể, việc chứng minh thiệt hại rất khó khăn, phức tạp.
Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng bảo hiểm xã hội thì tương đương với tình trạng doanh nghiệp đã kiệt quệ, "chết lâm sàng", không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên.
Cho nên, chính sách "hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020" dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.
Vì vậy, Ban IV và các hiệp hội kiến nghị cho phép doanh nghiệp miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020. Chính sách này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính.
Cũng góp ý với Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ban IV còn đề xuất chậm nộp bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác đến hết năm 2020. Theo cơ quan này, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỷ trọng chi không nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp. Đây sẽ là một trong các chính sách quan trọng mang lại nguồn lực cho doanh nghiệp hiện nay.
Ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có công văn số 860/BHXH-BT để thực hiện Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu doanh nghiệp có “số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra”.
Đây cũng là chính sách được Ban IV đánh giá "các doanh nghiệp không thực hiện được", đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản. Bên cạnh đó, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đang chiếm tỉ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và doanh nghiệp đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía nhà nước với chính sách cho chậm nộp bảo hiểm xã hội và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết 31/12/2020.
Ngoài ra, Ban IV cùng các hiệp hội cũng kiến nghị giảm thuế suất từ 10% xuống 5% với thuế giá trị gia tăng để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành. Cùng đó, giảm 50% tiền thuê đất trong 9 tháng cho các doanh nghiệp lưu trú du lịch, công viên và cho phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế được ứng lại 50% tiền ký quỹ làm vốn lưu động với thời hạn 2 năm...
Ban IV cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung “Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng” để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh trong các thỏa thuận liên quan.
Lý do là nhiều doanh nghiệp đã kí kết các hợp đồng trước khi dịch bệnh xảy ra và có nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc/tiền đã thanh toán nếu đại dịch này không được tính là một sự kiện bất khả kháng
Mai Anh