Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ tư, 11/11/2020 16:35 (GMT+7)

Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'?

Theo dõi KTMT trên

Trong nỗ lực nhằm hạn chế túi nilon và rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau, từ cứng rắn đến mềm mỏng, từ phạt hành chính đến hình sự.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng 13 triệu tấn bị đổ ra biển. Cụ thể hơn, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5000 tỉ túi nilon được tiêu thụ.

Trong số rác thải nhựa được thải ra có tới 79% là bị chôn lấp hoặc vứt ra môi trường, 12% là bị đốt, chỉ có 9% trong số đó được tái chế.

Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'? - Ảnh 1
Thu gom rác thải nhựa ở Bangladesh. (Ảnh: Internet)

Có thể nói tình trạng gia tăng chóng mặt của rác thải nhựa đang ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp lên đời sống con người. Ô nhiễm môi trường kéo theo đó là biến đổi khí hậu và hàng loạt bệnh tật nguy hiểm làm cuộc sống của con người ngày càng bị đe dọa nặng nề.

Trong nỗ lực nhằm hạn chế túi nilon và rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp khác nhau, từ cứng rắn đến mềm mỏng, từ phạt hành chính đến hình sự.

Tín hiệu đáng mừng ở châu Phi

Rwanda là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống rác thải nhựa ở châu Phi. Nước này đã đưa ra lệnh cấm túi nilon hơn 10 năm trước. Theo ông Patrick Mwesigye thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), chiến dịch thành công là bởi vì trước khi cấm, việc sản xuất túi nilon ở Rwanda còn chưa phổ biến.

Đến năm 2017, Kenya bắt đầu áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày kể từ ngày 28/8/2017 và cảnh báo sẽ phạt tới 38.000 USD hoặc 4 năm tù giam nếu phát hiện bất cứ cá nhân nào sử dụng túi được làm từ nguyên liệu không có lợi cho môi trường này.

Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'? - Ảnh 2
Kenya bắt đầu áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nilon. (Ảnh: Internet)

Đối với Tunisia, lệnh cấm nhằm thiết lập chính sách xanh hơn cũng bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/3/2017 với yêu cầu tất cả các chuỗi siêu thị ngừng phân phối túi nilon.

Trong hơn 10 năm kể từ khi lệnh cấm túi nilon được áp dụng ở các quốc gia châu Phi, những tiến triển dù là khiêm tốn đã được ghi nhận. Hiệu quả nhất có thể kể ra như Rwanda hay quần đảo Zanzibar ở Tanzania. Các lệnh cấm tương tự đã được ban hành ở Botswana, Eritrea, Mauritania, Morocco, Rwanda, Nam Phi và Uganda, nhưng thực tế vẫn chưa thấy rõ. Hệ thống quản lý kém và thói quen xả rác khiến triển vọng của xã hội không rác thải nhựa là phi thực tế, nhưng dù sao các nhà hoạt động môi trường đã đánh giá thà hành động còn hơn không.

Na Uy đi trước 10 năm so với các nước EU về chống rác thải nhựa

Với tỉ lệ tái chế lên tới 97%, Na Uy hiện là nước đi đầu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, vượt trên cả Pháp và Anh - hai nước hiện có tỉ lệ tái chế rác thải nhựa là 60%.

Điều này đồng nghĩa với việc Na Uy đang đi trước 10 năm so với các nước EU trong việc thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ tái chế rác thải nhựa lên tới 90% vào năm 2029.

Bí quyết giúp Na Uy có được bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là nhờ áp dụng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống "đặt cọc", theo đó các khách hàng sẽ phải trả thêm một chút tiền gọi là khoản đặt cọc khi mua đồ uống đóng chai nhựa và sẽ được hoàn lại khoản tiền này khi trả vỏ chai.

Khái niệm trả lại vỏ chai tại Na Uy giờ đây là trở nên phổ biến đến mức có riêng một động từ mới mô tả hoạt động này bằng tiếng Na Uy - đó là "Pante".

Trong năm 2019, tại Na Uy ghi nhận hơn 1,1 tỉ chai nhựa và vỏ lon được trả lại tại các điểm tập kết tại siêu thị, trạm xăng và các cửa hàng nhỏ. Theo quy trình, sau khi được thu gom, vỏ chai và vỏ lon sẽ được xe tải chuyển đến trung tâm xử lý rác thải Infitium ở Fetsund - thành phố cách thủ đô Oslo của Na Uy khoảng 30km về phía Đông Bắc. Tại đây, chai nhựa đựng nước, nước hoa quả hay soda sẽ được phân loại, nén và ép lại thành từng khối vuông Rubik nhiều màu sắc và chờ được xử lý tái sử dụng.

Hiện thành phần nguyên liệu sản xuất 1 chai nhựa chứa 10% nguyên liệu tái chế và Na Uy hy vọng có thể tăng tỉ lệ này bằng chính sách tăng thuế nhằm khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng nhựa tái chế thay cho nhựa mới hiện có giá thành rẻ hơn. Na Uy hiện được xem là hình mẫu lý tưởng áp dụng thành công hệ thống "đặt cọc".

Côlômbia đánh thuế túi nilon bảo vệ vùng biển Caribê

Côlômbia là một trong những nước giàu nhất thế giới về đa dạng sinh học biển, với 2.900 km bờ biển (gần 1 triệu km2) thuộc vùng biển Caribê và Thái Bình Dương, Côlômbia sở hữu 2.600 loài sinh vật biển, 155 loài san hô đá và 6 trong 7 loài rùa. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và hoạt động sinh kế của người dân.

Trước tình hình đó, Chính phủ Côlômbia đã đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường nhằm thay thế cho nhựa sử dụng một lần. Kể từ ngày 1/1/2017, Côlômbia đã cấm sử dụng túi nilon kích thước nhỏ hơn 30x30 cm, đồng thời đưa ra các lựa chọn thay thế có khả năng chịu tải cao hơn, giúp giảm 27% lượng tiêu thụ loại vật liệu này.

Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'? - Ảnh 3
Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. (Ảnh minh họa: Internet)

Chilê cấm sử dụng túi nilon ở tất cả các thành phố ven biển

Tháng 10/2017, Chilê đã trở thành quốc gia tiên phong ở khu vực Mỹ Latinh trong nỗ lực BVMT biển khi Tổng thống Michelle Bachelet ký văn bản dự thảo luật nhằm cấm việc cung cấp túi nilon trong hoạt động kinh doanh thương mại tại 102 TP ven biển của Chilê. Là quốc gia có khoảng 4.300 km bờ biển, Dự luật này là tiền đề để giúp Chilê kiểm soát một cách hiệu quả hơn vấn đề ô nhiễm đại dương, đồng thời, tạo cơ hội để người dân hợp tác nhằm giảm những thiệt hại về môi trường, đóng góp vì một sự thay đổi tích cực.

Theo khảo sát, 92% người dân Chilê ủng hộ Chính phủ kiểm soát việc cung cấp túi nhựa trong các hoạt động mua sắm, điều này tạo thuận lợi cho việc thực thi các chính sách chống lại rác thải nhựa trên toàn lãnh thổ.

Theo số liệu của Bộ Môi trường Chilê, mỗi năm, 8 triệu tấn nhựa nằm lại trong biển và nghiêm trọng hơn, có tới 90% số chim biển chứa nhựa trong ruột. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, thì đến năm 2050, số lượng nhựa trong lòng đại dương sẽ nhiều hơn cả cá.

"Điểm nóng" châu Á

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chỉ ra rằng, 6 nước gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những nước thải ra 60% trong số 8 triệu tấn nhựa vào các đại dương trên thế giới mỗi năm.

Điều phối viên của WWF Thomas Schuldt nêu rõ Malaysia hiện đứng đầu trong 6 nước được quỹ phân tích về mức tiêu thụ bao bì nhựa, khoảng 16,8 kg/người, tiếp đến là Thái Lan với mức 15,5 kg/người. Đặc biệt, chỉ tính trong năm 2019, lượng khí phát thải liên quan tới nhựa của nước này từ chu trình sản xuất đến đốt cháy đã đạt 860 triệu tấn, lớn hơn lượng khí phát thải hằng năm của 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Philippines cộng lại.

Sở dĩ người dân Malaysia sử dụng lượng nhựa nhiều nhất trong nhóm các nước này vì họ thuộc nhóm có thu nhập cao nhất (trung bình gần 11.000 USD/năm). Hằng ngày, họ gọi chuyển phát đồ ăn rất nhiều, những thứ được đóng gói bằng nhựa, đồng thời họ cũng đi siêu thị mỗi ngày và sử dụng nhiều túi đựng bằng nhựa.

Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'? - Ảnh 4
Một bãi rác ở Mumbai (Ấn Độ). (Ảnh: Internet)

Đã có vài nơi tại Châu Á triển khai biện pháp đối phó mạnh tay. Năm 2018, thành phố Mumbai (Ấn Độ) đã ra lệnh cấm sử dụng các loại túi nilon, chai nhựa, cốc nhựa - loại sản xuất ra chỉ để dùng một lần. Những người vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền mặt hoặc thậm chí phải ngồi tù nếu tái phạm nhiều lần.

Động thái quyết liệt này nằm bảo vệ môi trường khỏi vấn nạn rác thải đến từ đồ nhựa. Có nhiều mức phạt từ nhẹ tới nặng, mức phạt cao nhất đối với người liên tục tái phạm là phải nộp phạt 25.000 rupi (gần 8,5 triệu đồng) và bị giam giữ trong ba tháng. Người mới lần đầu vi phạm sẽ bị phạt 5.000 rupi (hơn 1,5 triệu đồng).

Bangladesh từ tháng 3/2002 đã cấm dùng túi nilon ở thủ đô Dhaka, khi thấy rằng túi nilon tràn ngập khắp 2/3 đất nước sau trận lũ lụt lớn năm 1988 và 1998.

Đầu năm 2020, Thái Lan bắt đầu với lệnh cấm túi nilon dùng một lần tại các cửa hàng lớn, tiếp tục chiến dịch do Chính phủ và các nhà bán lẻ khởi xướng nhằm cấm hoàn toàn nhựa dùng một lần vào năm 2021 với mục đích giảm lượng rác thải đổ ra biển.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hồi năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm chống rác thải nhựa. Trước đó tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, tổ chức ở Hà Nội ngày 9/6/2019, Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Bảo My

Bạn đang đọc bài viết Thế giới làm gì để 'chống rác thải nhựa'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới