Chủ nhật, 24/11/2024 06:42 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 15:55 (GMT+7)

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp liệu có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện.

Triển khai mua bán điện trực tiếp

Trong bối cảnh Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc tăng nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm điện than đã được hoạch định lại trong Quy hoạch điện VIII. Điều này khiến ngành điện phải chịu áp lực về giá khi giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn nhiều so các nguồn điện truyền thống…

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngành năng lượng, để khắc phục tình trạng trên chỉ còn giải pháp đẩy nhanh cơ chế mua bán điện trực tiếp. 

Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Dự thảo nêu rõ về quy mô thí điểm mua bán điện trực tiếp. Theo đó, tổng công suất các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW.

Theo Dự thảo, hình thức, thời hạn đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp như sau:

Một Đơn vị phát điện và một Khách hàng hoặc Liên danh khách hàng cùng nhau chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký theo hình thức đăng tải các tài liệu trong hồ sơ đăng ký (dạng file điện tử) trên cổng đăng ký của Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp do Bộ Công Thương công bố đồng thời gửi 1 bản giấy bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính theo hướng dẫn trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp liệu có khả thi? - Ảnh 1
Dự thảo quy định tổng công suất các nhà máy điện tham gia chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp không quá 1.000 MW. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, thời hạn thực hiện đăng ký là 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cổng đăng ký được đóng lại khi hết thời hạn đăng ký.

Thời điểm xác nhận đăng ký thành công được xác định căn cứ theo hệ thống đếm giờ và thư điện tử xác nhận đăng ký thành công của cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cụ thể:

Giai đoạn chuẩn bị, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, các Đơn vị phát điện và Khách hàng chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký tham gia trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp theo quy định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra khả năng bị giới hạn công suất phát điện của các nhà máy điện tại thời điểm đăng ký vào vận hành thương mại.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày đóng cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đánh giá, lựa chọn và công bố danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Giai đoạn vận hành thí điểm, trong thời gian cam kết tính từ ngày danh sách các Đơn vị phát điện và Khách hàng được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp được công bố, các Đơn vị phát điện và Khách hàng hoàn thành việc đàm phán, ký kết các hợp đồng liên quan, hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo và đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại, tham gia thị trường điện để chính thức thực hiện các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp quy định.

Căn cứ kết quả vận hành các giao dịch theo nguyên tắc vận hành thí điểm mua bán điện trực tiếp trong thời hạn 01 năm tính từ ngày kết thúc thời hạn các Đơn vị phát điện đưa nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện, Bộ Công Thương đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Mua bán điện trực tiếp, liệu có khả thi?

Hiện nay, xu hướng sản xuất xanh, sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo cho sản xuất đang được triển khai ở nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Để khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu sản xuất, Bộ Công thương xây dựng Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, cho phép khách hàng sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững được tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ một đơn vị phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng dài hạn.

Tuy nhiên, cơ chế thí điểm DPPA vẫn đang được lấy ý kiến để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, đặc biệt là cơ chế giá. Mặc dù vậy, hiện đã có một số doanh nghiệp FDI bày tỏ mong muốn được tham gia để sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất. 

Tiêu biểu có thể kể đến Samsung, tập đoàn FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam, đã từng có kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Công thương được thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp, được lựa chọn đơn vị sản xuất điện, với tổng công suất theo quy định để mua điện.

Hay với Nike, hãng này hướng tới việc giảm 65% phát thải khí nhà kính ở các nhà máy đang sở hữu hoặc vận hành và 30% trong toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030. Do vậy, Nike hướng tới mục tiêu tham vọng là sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các cơ sở để giảm 70% lượng phát thải khí nhà kính. 

Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp liệu có khả thi? - Ảnh 2
Nếu DPPA được thí điểm ở Việt Nam sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại COP26. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn cung lớn nhất của Nike, nên một đại diện của Nike cho rằng việc tham gia chương trình thí điểm DPPA sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo đưa vào sản xuất, nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nike trong việc sản xuất sản phẩm giày dép tại Việt Nam sử dụng năng lượng sạch.

Bàn về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, Phó Giám đốc dự án Vleep, có chức năng hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cơ chế DPPA) cho biết, ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo và coi đó là một trong những yếu tố quyết định đầu tư. Nếu DPPA được thí điểm ở Việt Nam thì đó sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế tại COP26. Tuy nhiên, Luật Điện lực hiện chưa cho phép mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam. 

Do đó, nếu áp dụng DPPA thì Chính phủ phải cho phép một cơ chế thí điểm vượt qua khuôn khổ của pháp luật, diễn ra trong một quy mô và thời gian xác định. Sau đó mới có thể nhân rộng, thậm chí là sửa đổi luật pháp.

Theo ông Sơn, hai bên mua - bán sẽ phải tự đàm phán theo cơ chế thị trường. Cơ sở tham chiếu giá sẽ là giá bán điện sản xuất đang được Bộ Công thương quy định. Tương tự, giá truyền tải điện và vận hành mà các bên phải trả cho EVN được tham chiếu theo giá chung hiện tại. Việc tự đàm phán theo cơ chế thị trường, dựa vào khung giá tham chiếu phổ biến. 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia cho rằng, đến thời điểm này vẫn còn thiếu rất nhiều điểm để có thể hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp. Ví dụ, như hạ tầng thực hiện, việc ký kết dựa trên mức giá nào, giao dịch ra sao, tiếp đến là hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến các hộ tiêu thụ điện... Đó là chưa đề cập đến các vấn đề pháp lý xung quanh vấn đề này. 

Ngoài ra, theo Luật Điện lực, tất cả đường truyền tải do EVN quản lý. Tuy nhiên, trước tình hình mới, đã có nhiều kiến nghị cho phép nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời được quyền xây dựng đường truyền tải, nhưng cần có quy định khoảng cách giữa nơi phát với nơi mua ở mức độ bao nhiêu; xây dựng đường truyền tải thì nhà đầu tư chủ động quản lý luôn đường truyền tải ấy tới khách hàng. Để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, theo các chuyên gia thì phải có các quy định cụ thể để ràng buộc, chẳng hạn: Công suất, phụ tải bao nhiêu cho phù hợp; vào ban đêm…

Trao đổi với báo chí, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá, với cơ chế này nếu được áp dụng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo lẫn doanh nghiệp sử dụng điện có thêm lựa chọn đơn vị cấp điện cho mình. Ngoài ra, đây cũng có thể là một lối thoát cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo trong bối cảnh bùng nổ các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo trong thời gian qua dẫn đến sản lượng dư thừa, nhiều dự án buộc phải cắt bớt công suất, ảnh hưởng đến nguồn thu và kế hoạch tài chính của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là các bên phải ngồi lại với nhau, bên thứ 3 làm nhiệm vụ truyền tải phải có cam kết rõ ràng về khả năng truyền tải để bảo đảm đủ sản lượng điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ theo đúng hợp đồng", GS Trần Đình Long lưu ý.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới