Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/04/2021 09:05 (GMT+7)

Thí điểm hoạt động xe buýt điện tại TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Theo UBND TP.HCM, việc phát triển xe buýt điện là phù hợp chủ trương, hướng đến phương tiện thân thiện với môi trường, hiện đại.

Thí điểm hoạt động xe buýt điện tại TP.HCM - Ảnh 1
Xe buýt điện VinBus của VinFast. (Ảnh: BNEWS/TTXVN)

Ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gửi UBND TP.HCM về việc triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, chủ trương đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn TP.HCM không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết triển khai thí điểm, UBND TP.HCM nghiên cứu, tham khảo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá mà UBND TP.Hà Nội đang triển khai thí điểm đối với xe buýt điện (được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 1712/VPCP-CN ngày 17/3/2021) để tự quyết định hoạt động thí điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các bộ và các đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đối với loại hình xe buýt điện để triển khai chính thức trên địa bàn TP.HCM theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Trước đó, ngày 29/3, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP.HCM. Thời gian thí điểm là 24 tháng, kể từ ngày bắt đầu hoạt động. Sau thời gian thí điểm, thành phố sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết tính hiệu quả, qua đó làm cơ sở để tiến tới đấu thầu, đặt hàng theo quy định.

Kiến nghị trên xuất phát từ việc Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần có đề xuất cho phép thực hiện đề án gồm 5 tuyến buýt điện tại TP.HCM. Theo đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư 77 xe buýt điện cao cấp với công nghệ tiên tiến có sức chứa từ 65 đến 70 chỗ ngồi (gồm cả đứng và ngồi). Đầu tư Trung tâm quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối, bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành. Các tuyến xe buýt điện mở mới có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để lắp đặt trạm sạc pin cho phương tiện trước khi đi vào hoạt động.

Theo UBND TP.HCM, việc phát triển xe buýt điện là phù hợp chủ trương, hướng đến phương tiện thân thiện với môi trường, hiện đại. Các tuyến buýt điện mở mới theo đề xuất phục vụ nhu cầu sử dụng giao thông công cộng của người dân thành phố, đặc biệt là tại các khu dân cư mới và các khu vực mà hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phủ đều.

Tiến Lực

Bạn đang đọc bài viết Thí điểm hoạt động xe buýt điện tại TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới