Chủ nhật, 24/11/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ ba, 09/03/2021 14:56 (GMT+7)

Xe buýt năng lượng sạch – giải pháp thân thiện với môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất phương án kết nối, mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh dịch vụ xe buýt đối với các tuyến buýt CNG04, CNG07 sử dụng nhiên liệu sạch (khí thiên nhiên nén CNG).

Xe buýt năng lượng sạch – giải pháp thân thiện với môi trường - Ảnh 1

Xe buýt CNG đã được sử dụng tại TP.HCM

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP.Hà Nội, tuyến buýt CNG04 Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long sẽ điều chỉnh lộ trình nhằm tiếp cận đến trung tâm xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) và điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 106 lượt xe/ngày (tăng 20 lượt xe/ngày).

Tuyến buýt CNG07 Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức cũng sẽ điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ từ 20 - 30 phút/lượt thành 15 - 20 - 30 phút/lượt với 96 lượt xe/ngày (tăng 12 lượt xe/ngày). Giá vé 2 tuyến là 9.000 đồng/lượt/hành khách.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, phương án mở rộng vùng phục vụ của tuyến buýt CNG04 qua trung tâm xã Kim Nỗ và tăng tần suất dịch vụ đối với tuyến buýt CNG07 cơ bản phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân.

Việc tăng tần suất dịch vụ hoạt động trên các tuyến buýt này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tải trong khung giờ cao điểm, giảm thời gian chuyến đi của hành khách (dự kiến từ 20 - 25 phút).

Tại Việt Nam, đã có một số địa phương đã đưa vào sử dụng xe buýt chạy bằng năng lượng sạch (khí nén thiên nhiên CNG)như TP.HCM, Bình Dương. So với xe chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu (diesel), khí nén thiên nhiên CNG được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường.

Thực tế, khảo sát tại Anh cho thấy, với tổng số quãng đường vận hành 50 nghìn dặm thì một phương tiện kinh doanh vận tải hàng năm có thể tốn 6.500 bảng (nếu sử dụng xăng) hoặc 5.356 bảng (khi sử dụng nhiên liệu dầu), nhưng chi phí trung bình với quãng đường tương tự chỉ mất 3.183 bảng đối với khí CNG. Theo thống kê sử dụng thực tế tại Việt Nam đã ghi nhận, chi phí cho xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG thấp hơn khoảng gần 40% so với xe chạy xăng hoặc dầu. Ngoài ra, xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG được đánh giá êm hơn, không có bụi và khói đen, các khí thải gây hại đến sức khỏe con người so với xe thông thường cũng giảm một nửa.

Bổ sung giải pháp cho vận tải công cộng

Liên quan đến xe buýt năng lượng sạch, trước đó, tháng 9/2020, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở tài chính nghiên cứu kiến nghị của Sở GTVT về Đề án đầu tư phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe điện) có trợ giá của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP. 

Theo đó, Vingroup - Công ty CP đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe chạy điện và cam kết đầu tư 150 - 200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại; đầu tư Trung tâm Quản lý và vận hành xe buýt thông minh, depot và hệ thống trạm sạc pin tại các điểm đầu cuối; bãi đỗ xe ban đêm để đáp ứng yêu cầu vận hành. Đại diện Vingroup khẳng định, đây là mẫu xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện của phương tiện vận tải hành khách công cộng; được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus (thuộc Vingroup).

Xe buýt năng lượng sạch – giải pháp thân thiện với môi trường - Ảnh 2

Vingroup sẵn sang cho một kỉ nguyên năng lượng sạch, sẵn sang vận hành xe Bus điện

VinBus cũng sẽ cho ra đời ứng dụng VinBus kết hợp cùng VinID hỗ trợ thông tin mạng lưới tuyến xe buýt của toàn thành phố, giúp hành khách tra cứu thuận lợi. Tất cả các tuyến buýt sẽ kết nối vào trung tâm thành phố, qua các điểm trung chuyển lớn tập trung đông dân cư như bến xe, trường học, khu đô thị, bệnh viện, trung tâm thương mại… Nếu được chấp thuận, thời gian hoạt động của các tuyến xe buýt điện dự kiến từ 5h đến 22h hằng ngày, bình quân 10-20 phút sẽ có một lượt xe.

Trước đó, theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đơn vị này hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy chuẩn hiện hành.

Bên cạnh việc sản xuất xe buýt điện, VinBus đã tuyển dụng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất... để có thể vận hành ngay khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong đó, 2 khu depot đang được Vingroup đầu tư xây dựng tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) và Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Các depot sẽ có chức năng văn phòng điều hành, trạm sạc năng lượng, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, điểm bán vé tháng và cung cấp dịch vụ cho hành khách...

Việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ và TP.Hà Nội, sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

Nhận định về mô hình xe buýt điện, ông Tô Xuân Bình (khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, Hà Nội đã có xe buýt truyền thống, xe buýt nhanh BRT và xe buýt sử dụng khí CNG (khí nén tự nhiên, cũng là một loại năng lượng sạch). Nếu có thêm xe buýt điện sẽ giúp đa dạng hóa loại hình phương tiện công cộng phục vụ hành khách, góp thêm một giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của thành phố Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở đề án của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, Sở GTVT đề xuất, trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện để có thể đưa vào vận hành sớm.

Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Vì vậy, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP.Hà Nội và TP.HCM

Tuy nhiên việc chuyển đổi hệ thống xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch ở các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung cấp nhiên liệu do số lượng xe vận hành thực tế còn thấp. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp vận tải đều thừa nhận xe buýt chạy bằng khí CNG giúp tiết kiệm chi phí vận hành và tăng thời gian khấu hao nhờ tuổi thọ động cơ cao và chi phí bảo dưỡng thấp, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lại rất cao, khoảng 2 tỉ đồng cho một xe nhập khẩu nguyên chiếc

Chính phủ đã có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy việc ứng dụng nhiên liệu sạch trong vận tải hành khách công cộng như hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, ưu tiên vay vốn cho các dự án đầu tư phương tiện xe buýt chạy nhiên liệu sách.

Việc chuyển đổi xe buýt chạy bằng khí CNG sản xuất trong nước ra thị trường sẽ giúp hạ thấp vốn đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, để tháo gỡ rào cản trong quá trình cung ứng nhiên liệu sạch phục vụ cho hoạt động vận chuyển.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Xe buýt năng lượng sạch – giải pháp thân thiện với môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới