Thị phần thủy sản của Việt Nam tại Italy tăng trưởng khả quan
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu các nhóm hàng thủy sản lớn của Việt Nam sang thị trường Italy đều tăng trưởng khả quan và bước đầu tận dụng tốt được Hiệp định EVFTA.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Italy trong năm 2016 và 2017 tăng, nhưng trong 3 năm tiếp theo 2018, 2019 và 2020 giảm do hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang Italia chịu ảnh hưởng từ “thẻ vàng” IUU.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Italy đạt 16,3 nghìn tấn, trị giá 62,9 triệu USD, tăng 56,7% về lượng và tăng 77,6% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các nhóm hàng thủy sản lớn của Việt Nam sang thị trường Italia như cá ngừ các loại; nghêu các loại; mực các loại; tôm các loại; cá tra, basa; bạch tuộc các loại; surimi đều tăng trưởng khả quan và bước đầu tận dụng tốt được Hiệp định EVFTA.
Thị phần thủy sản của Việt Nam tại Italy tăng rõ rệt. Theo số liệu thống kê của Eurostat, nhập khẩu thủy sản của Italy trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 330,13 nghìn tấn với trị giá 1,84 tỉ EUR (tương đương 2,17 tỉ USD), tăng 11,1% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong những thị trường nhập khẩu thủy sản ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Italy, với lượng đạt 10,14 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu USD, tăng 48,6% về lượng và tăng 55,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần thủy sản tính theo lượng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu thủy sản của Italy tăng từ 2,3% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 3,1% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Italy 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 107,7% về lượng và tăng 12,9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong các thị trường nhập khẩu cá ngừ ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp cá ngừ lớn thứ 5 cho Italy với lượng nhập khẩu đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 167 triệu EUR (tương đương 19,6 triệu USD), tăng 202,9% về lượng và tăng 188,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần tính theo lượng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cá ngừ của Italy tăng từ 1,9% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 5,9% trong 4 tháng đầu năm 2021. Thị phần tính theo lượng tăng từ 1,8% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 5,55% trong 4 tháng đầu năm 2021. So với các nguồn cung cạnh tranh như Indonesia, Mauritius, Trung Quốc và Ecuado, cá ngừ của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất trong 4 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy, một số chủng loại cá ngừ có ghi nhận sự sụt giảm.
Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu tôm sang Italy 6 tháng đầu năm 2021 tăng 47,9% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 nhờ tận dụng được ưu đãi về thuế từ EVFTA.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 6 cho Italy, thị phần tôm tính theo lượng của Việt Nam tại Italy mới chiếm 1,2% trong tổng nhập khẩu tôm của Italy 4 tháng đầu năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Italy là nước thuộc Nam Âu - nơi tiêu thụ thủy sản lớn trong EU. Ngoài tỉ lệ tiêu thụ thủy sản cao, thị trường này cũng là quốc gia chế biến thủy sản lớn trong EU.
Nam Âu nhập khẩu khoảng 9,3 tỉ USD/năm các sản phẩm thủy sản từ các nước đang phát triển, chiếm 82% tổng kim ngạch nhập khẩu từ bên ngoài EU. Đây sẽ là cơ hội cho thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần hơn nữa tại thị trường Italia nói riêng và các nước thuộc Nam Âu nói chung trong thời gian tới.
Nguyễn Luận