Chủ nhật, 24/11/2024 08:32 (GMT+7)
Thứ ba, 29/03/2022 12:00 (GMT+7)

Thị trường lao động quý I/2022 nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I năm 2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Sáng nay 29/3, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022. Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu.

Cùng với đó, giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Dự báo gần đây về tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Thị trường tiêu dùng biến động do giá xăng tăng

Theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Thị trường lao động quý I/2022 nhiều tín hiệu khởi sắc - Ảnh 1
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới với chỉ số tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước. CPI bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.

Đối với chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2022 tăng 1,89% so với quý trước và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 1,09% và tăng 4,39%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,79% và tăng 1,98%; chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,49% và tăng 5,7%.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2022 tăng 2,47% so với quý trước và tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 2,7% và tăng 10,98%. Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) quý I năm 2022 giảm 0,23% so với quý trước và giảm 3,13% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng tăng so với quý trước

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Bức tranh kinh tế - xã hội trong quý 1 với gam màu sáng đã cho thấy Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thị trường lao động quý I/2022 nhiều tín hiệu khởi sắc - Ảnh 2
Thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Theo đó, chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người, tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2022 ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,8% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,7 triệu người, chiếm 33,5%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, chiếm 38,7%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2022 ước tính là 2,24%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,69%; khu vực nông thôn là 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2022 là 2,46%, trong đó khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,19%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2022 ước tính là 7,93%, trong đó khu vực thành thị là 9,30%; khu vực nông thôn là 7,20%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2022 ước tính là 3,01%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,39%; khu vực nông thôn là 3,40%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I năm nay, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện. Tính đến ngày 22/3/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ đạt gần 40,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 35,6 triệu lượt người lao động và 378,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh; gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đạt gần 38,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho trên 13 triệu lượt lao động và 363,6 nghìn đơn vị/hộ kinh doanh sử dụng lao động.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thị trường lao động quý I/2022 nhiều tín hiệu khởi sắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới