Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/11/2021 07:02 (GMT+7)

Thiết lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 trên lãnh thổ Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Đề án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam” nhằm góp phần quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ TN&MT vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến Hội đồng thẩm định Đề án Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam. 

Ông Hoàng Văn Hoan - Trưởng Ban Điều tra tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, đơn vị chủ trì thực hiện Đề án cho biết, theo Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là lập bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc với tỉ lệ 1:100.000.

Đồng thời, đánh giá, xác định được các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt; lập được bản đồ tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc, trên các lưu vực sông. Việc đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thiết lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 trên lãnh thổ Việt Nam - Ảnh 1
Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. (Ảnh: Zingnews.vn)

Ngoài ra, các thông tin số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước là nguồn số liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý, quy hoạch, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Tuy nhiên, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn hạn chế.

Trong đó, về điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, hiện mới thực hiện điều tra cơ bản được 34,08% sông suối trên phạm vi toàn quốc tập trung chủ yếu một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế với 625 sông suối có chiều dài trên 30km trên phạm vi toàn quốc đang thực hiện (ứng với tỉ lệ điều tra 1:100.000). 

Về tài nguyên nước dưới đất, đến nay, nước ta mới hoàn thành công tác thành lập bản đồ địa chất thủy văn toàn lãnh thổ Việt Nam tỉ lệ 1:500.000 (năm 1985), biên hội bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỉ lệ 1:200.000 trên toàn quốc (năm 2018), các tỉ lệ điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn chi tiết hơn (ở tỉ lệ 1:100.000 đến 1:25.000) mới hoàn thành trên 26% diện tích toàn quốc và đang thực hiện trên các vùng lãnh thổ khác với khoảng 23% diện tích toàn quốc.

Thiết lập bộ bản đồ tài nguyên nước toàn diện trên lãnh thổ 

Từ thực trạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước, lập bản đồ tài nguyên nước với phạm vi đã được điều tra còn hạn chế, số liệu điều tra cũ đã quá lâu chưa được cập nhật. Đặc biệt, trước yêu cầu quản lý trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, dữ liệu hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý, khó có khả năng cung cấp thông tin bao quát, toàn diện cho Chính phủ số trước các thách thức ngày càng tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, khai thác nước ở thượng nguồn và khai thác, sử dụng thiếu bền vững đối với tài nguyên nước của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT nhận thấy việc thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam” là rất cần thiết và cấp bách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam và hệ thống lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.

Phạm vi thực hiện của Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, đối tượng bao gồm tài nguyên nước mặt là các sông, suối, kênh, rạch, hồ, đầm, phá, công trình khai thác sử dụng nước mặt trên các lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đối với tài nguyên nước dưới đất là các thành tạo chứa nước trên toàn bộ diện tích tự nhiên thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đề án sẽ tiến hành thực hiện 5 nội dung chủ yếu như sau: (1) Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ tác nghiệp số trong công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước; công cụ thu thập, thu nhận, chuẩn hóa, tích hợp, lưu trữ, khai thác thông tin dữ liệu; (2) Thu thập, tổng hợp, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu tài nguyên nước và xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin phục vụ khai thác dữ liệu số về tài nguyên nước; (3) Điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung; phân tích, đánh giá tài nguyên nước và khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; (4) Biên tập, xây dựng và hoàn thiện bộ bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam; (5) Tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước của Đề án; kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu tài nguyên nước với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Trọng Tú - Ban Điều tra tài nguyên nước nhận định, tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tài nguyên nước đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc khai thác ở thượng nguồn phía ngoài biên giới, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra khiến tài nguyên nước của Việt Nam đã và đang có dấu hiệu suy thoái, cạn kiệt, an ninh nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sản xuất, đời sống nhân dân và các ngành kinh tế.

Vì vậy, để khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước quý giá của quốc gia, các cơ quan Nhà nước cần nắm rõ thông tin, dữ liệu về nguồn nước ở cả quy mô quốc gia và các lưu vực sông, địa bàn hành chính, góp phần ngăn chặn đà suy thoái, cạn kiệt và tiến tới phục hồi các nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội lâu bền.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thiết lập bản đồ tài nguyên nước tỉ lệ 1:100.000 trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới